Vũ khí nước ngoài đổ về Indonesia

Indonesia ký hàng loạt hợp đồng mua vũ khí nhằm thay thế lớp trang bị đã lỗi thời, nhưng đi cùng với đó là câu hỏi về khả năng tương thích và hiệp đồng của các vũ khí mới.

1 Vu Khi Nuoc Ngoai Do Ve Indonesia

Những tuần gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto hối hả gặp gỡ quan chức một loạt quốc gia đối tác nhằm sớm hoàn tất những hợp đồng vũ khí tham vọng.

Hôm 25/11, Bộ trưởng Subianto tiếp người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu ở thủ đô Jakarta và thảo luận về hợp đồng mua 2 tàu ngầm tấn công lớp Scorpene do Paris chế tạo. Đầu năm nay, Indonesia đã mua 42 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trị giá 8,1 tỷ USD, theo Reuters.

Đầu tháng 11, Bộ trưởng Subianto tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Một trong các trọng tâm thảo luận là kế hoạch trang bị tiêm kích F-15 cho quân đội Indonesia, theo Nikkei Asia.

"Chúng tôi ủng hộ nỗ lực tiếp tục hiện đại hóa hệ thống và năng lực quốc phòng của ngài bộ trưởng, Mỹ muốn đóng vai trò hữu ích theo bất cứ cách nào mà chúng tôi có thể", Bộ trưởng Austin nói.

Thay thế trang bị lỗi thời

Các chuyên gia đánh giá quyết định hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị vũ khí của Indinesia là kịp thời. Tuy vậy, chiến lược mua sắm của quân đội Indonesia có thể tiềm ẩn rủi ro, trong đó có câu hỏi về sự tương thích giữa các loại vũ khí đến từ những hệ thống quân sự khác nhau, theo Channel News Asia.

Dựa trên đặc điểm địa lý quần đảo của Indonesia, trải dài 5.000km từ đông sang tây, và hơn 1.700km từ bắc xuống nam, các chuyên gia cho rằng các trang bị mà Jakarta hiện có là chưa đủ.

Alman Helvas Ali, chuyên gia quốc phòng từ tổ chức tư vấn chính sách Marapi Consulting and Advisory, nhận định vụ tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị đắm hồi năm ngoái cũng cho thấy trang bị quân sự của Indonesia đã bắt đầu lỗi thời.

"Một số vũ khí đã 30-40 năm tuổi, thậm chí 50 năm tuổi. Việc mua sắp trang thiết bị nhằm thay thế những vũ khí đã cũ đó, đây là bước đi rất hợp lý", ông Ali nói.

2 Vu Khi Nuoc Ngoai Do Ve Indonesia

Indonesia đã ký hợp đồng mua 42 tiêm kích Rafale của Pháp. Ảnh: Reuters.

Trong nỗ lực thay thế các vũ khí hết hạn, Indonesia đã tăng ngân sách quốc phòng. Năm ngoái, chi tiêu quân sự của Indonesia là 7,2 tỷ USD. Năm nay, con số này tăng lên 8,5 tỷ USD. Trong 2023, ngân sách quốc phòng có thể tăng hơn nữa.

Ngoài tiêm kích Rafael mua từ Pháp, Indonesia cũng củng cố sức mạnh không quân khi mua 2 máy bay vận tải quân sự Airbus A400M. Theo Bộ trưởng Subianto, Airbus A400M là máy bay đa nhiệm có khả năng tăng cường năng lực chiến thuật của không quân Indonesia.

Đầu tháng 11, tại Triển lãm Quốc phòng Indonesia ở Jakarta, nước chủ nhà cũng ký hợp đồng mua tên lửa Khan từ tập đoàn công nghiệp quốc phòng Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ. Tên lửa Khan có thể phóng từ các bệ phóng đa nòng gắn trên xe quân sự. Tên lửa có tầm bắn lên đến 280km.

Lúc này, Indonesia cũng đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ phát triển các thiết bị mô phỏng bay, nhảy dù, khai hỏa.

"Hợp tác chính phủ - chính phủ và doanh nghiệp - doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia", Bộ trưởng Subianto nói trong cuộc gặp Chủ tịch Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir.

Đóng góp cho ổn định khu vực

Sự tích cực trên thị trường quốc phòng của Indonesia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại khu vực, đặc biệt ở Biển Đông.

Jakarta không phải một bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Tuy vậy, vùng biển Natuna của Indonesia tiếp giáp Biển Đông và là nơi Jakarta có tranh chấp quyền đánh cá với Bắc Kinh.

Dù việc mua sắm vũ khí được hiểu nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Indonesia, cũng như thay thế trang bị lạc hậu, chuyên gia của Marapi Consulting and Advisory cũng cho rằng Indonesia có thể đóng góp cho an ninh khu vực.

Thời gian qua, một số lần Indonesia phải triển khai tàu chiến và máy bay quân sự khi tàu đánh cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển Natuna, hoặc khi Tổng thống Joko Widodo tới thị sát.

3 Vu Khi Nuoc Ngoai Do Ve Indonesia

Tàu chiến Indonesia tại quần đảo Natuna. Ảnh: Reuters.

Theo ông Khairul Fahmi, người sáng lập tổ chức nghiên cứu chính sách ISESS có trụ sở ở Jakarta, các diễn biến ở khu vực không phải lý do duy nhất cho quyết định mua sắm mạnh tay của Indonesia.

"Indonesia không chuẩn bị lực lượng để tấn công nước khác. Mục tiêu là củng cố hệ thống phòng thủ trên không, trên biển, trên bộ", ông Fahmi nói.

Chuyên gia của ISESS cho rằng việc mua vũ khí từ nhiều quốc gia khác nhau không phải điều lạ, đặc biệt với các nước đang phát triển.

"Ngân sách quốc phòng ở hầu hết quốc gia chỉ có hạn. Khả năng chi tiêu hạn hẹp thường buộc các nước phải cân nhắc chi phí khi tìm cách bổ sung kho vũ khí", ông Fahmi nói.

Ngoài ra, mua sắm vũ khí cũng là một cách để duy trì quan hệ hữu hảo giữa các quốc gia.

"Chi tiêu quốc phòng thường là công cụ đi kèm ngoại giao quốc phòng. Việc các quốc gia mua vũ khí từ những nước khác nhau chỉ nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp hoặc tránh lợi ích quốc gia bị tổn hại là điều thường thấy", ông Fahmi nói.

Câu hỏi về khả năng tương thích

Chuyên gia của ISESS nhận định chiến lược mua sắm từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau của Indonesia có thể dẫn đến điểm yếu về khả năng đồng bộ hóa và hiệp đồng tác chiến.

"Đó là lý do việc mua sắm phải có chọn lọc, ưu tiên các hệ thống phòng thủ không đòi hỏi liên kết và tương tác", ông Fahmi nhận định.

Năm 1999, Mỹ và EU áp lệnh cấm vận vũ khí với Indonesia sau khi xung đột vũ trang nổ ra tại Đông Timor. EU dỡ bỏ cấm vận vào năm 2000, trong khi Mỹ chỉ dỡ bỏ cấm vận vào 2005. Trong khoản thời gian này, Indonesia đã mua máy bay Sukhoi của Nga.

"Việc bị các nước khác cấm vận khiến Indonesia quyết định đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để giảm thiểu tác động của việc bị phụ thuộc. Hậu quả của chiến lược này là khả năng tương tác giữa các hệ thống vũ khí", bà Diandra Megaputri Mengko, chuyên gia quốc phòng tại Cơ quan Nghiên cứu và Sáng tạo Indonesia, cho biết.

4 Vu Khi Nuoc Ngoai Do Ve Indonesia

Tổng thống Joko Widodo thị sát quần đảo Natuna. Ảnh: Reuters.

Để khắc phục vấn đề, Indonesia đã có kế hoạch xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu nhằm tăng hiệu quả tương tác giữa các hệ thống vũ khí. Hệ thống kết nối dữ liệu cho phép các hệ thống vũ khí khác nhau sử dụng chung một nguồn thông tin.

Tuy nhiên, hệ thống kết nối dữ liệu này vẫn chưa vận hành trơn tru.

"Các vũ khí của Anh, Pháp, Mỹ có thể sử dụng chung hệ thống kết nối dữ liệu. Khó khăn chủ yếu là kết nối với vũ khí của Nga. Các nước phương Tây hiển nhiên không muốn thiết bị của họ kết nối thiết bị của Nga", ông Ali nói.

Các chuyên gia nhận định chiến lược mua sắm quốc phòng có liên quan tới các cân nhắc về chính sách đối ngoại. Indonesia theo đuổi chinh sách không liên kết và không chọn bên, điều này có thể là một rào cản trong mua sắm vũ khí.

Khi được đề nghị bình luận về vấn đề tính tương thích của các loại vũ khí mới mua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Muhammad Herindra khẳng định các hợp đồng được ký dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về khả năng vận hành, cũng như nhu cầu thực tế của quân đội.

Bộ Quốc phòng Indonesia khẳng định có nhiều lý do phía sau quyết định mua sắm các loại vũ khí từ nhiều nguồn cung khác nhau.

"Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, quyết định mua sắm vũ khí liên quan chặt chẽ tới các cân nhắc về địa chính trị, địa chiến lược, ngoại giao", Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết.

Duy Anh

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan