Ukraine tiết lộ công nghệ có thể qua mặt vũ khí "sát thủ vô hình" của Nga

Quan chức Ukraine tiết lộ nước này đã sở hữu công nghệ mới có thể giúp Kiev vượt qua đòn đánh chặn bằng vũ khí tác chiến điện tử của Nga.

1 Ukraine Tiet Lo Cong Nghe Co The Qua Mat Vu Khi Sat Thu Vo Hinh Cua Nga

Thiết bị Himera quân đội Ukraine đang sử dụng (Ảnh: BI).

Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov tuyên bố, nước này sở hữu công nghệ vô tuyến không thể bị ngăn chặn bởi hoạt động gây nhiễu của Nga.

Ông Fedorov, người kiêm chức Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, mô tả Himera là "một công nghệ độc đáo hoạt động bất chấp nỗ lực tác chiến điện tử của đối phương".

"Người Nga không thể ngăn chặn tín hiệu vô tuyến hoặc giải mã nó. Công nghệ này cũng có thể được tích hợp vào hệ thống nhận biết tình huống hoặc được sử dụng làm thiết bị theo dõi GPS để tìm kiếm và sơ tán binh lính", ông nhấn mạnh.

Nga vốn được xem là cường quốc về tác chiến điện tử và điều này đã gây ra không ít khó khăn cho Ukraine. Theo viện RUSI (Anh), Nga đã đạt được thành công trong việc "chặn và giải mã theo thời gian thực" các hệ thống bộ đàm được binh sĩ Ukraine sử dụng rộng rãi.

Điều này giúp Nga nắm được các thông tin quan trọng trên chiến trường và có thể ngăn chặn các cuộc tấn công từ Kiev.

Ngoài ra, RUSI cho biết, Nga đã phá hủy của Ukraine 10.000 UAV mỗi tháng nhờ tác chiến điện tử - công nghệ được mệnh danh là "sát thủ vô hình" vì có khả năng đánh chặn hiệu quả vũ khí đối phương mà không cần sử dụng tới một viên đạn.

Hồi tháng 9, một nhóm kỹ sư Ukraine đã mang công nghệ Himera tới một triển lãm ở Anh. Họ giới thiệu rằng Himera có xác suất bị phát hiện thấp, xác suất bị đánh chặn thấp, mức độ mã hóa dữ liệu cao và khả năng bảo vệ chống nhiễu liên lạc".

Thiết bị sử dụng công nghệ Himera của Ukraine hiện có thời gian sử dụng tối đa 4 ngày. Theo Euromaidan Press, binh lính Ukraine đã sử dụng chúng trên tiền tuyến.

Đại diện phía phát triển của Himera Oleksii Oliinyk nói với Defense Express tiết lộ toàn bộ các linh kiện để sản xuất thiết bị trên đều có sẵn trên thị trường thương mại.

Ông Oliinyk nhấn mạnh rằng điều này sẽ làm cho thiết bị có giá thành rẻ và dễ sản xuất với số lượng "hàng chục, hàng trăm, hàng trăm nghìn mỗi tháng".

Himera được thiết kế để chuyển tiếp tín hiệu, nó có thể được gắn vào một máy bay không người lái bay lơ lửng trên mặt đất để phi công có thể điều khiển từ xa mà không lo bị gián đoạn đường truyền. Điều này đặc biệt hữu dụng khi Ukraine đang gia tăng sử dụng UAV trên tiền tuyến.

Theo Business Insider

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan