Gaza - dải đất nhiều thập kỷ chìm trong lửa đạn

Cuộc đột kích bất ngờ của Hamas vào Israel cuối tuần qua lần nữa thổi bùng lửa xung đột ở Gaza, dải đất đã trải qua vô vàn sóng gió gần 60 năm qua.

Xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ sau cuộc đột kích của nhóm chiến binh Hồi giáo ngày 7/10, khiến ít nhất 2.400 người thiệt mạng và gần 10.000 người bị thương. Sau cú sốc ban đầu, Israel giờ đây đang dồn toàn lực để tung đòn đáp trả khốc liệt vào Dải Gaza, khiến mảnh đất này một lần nữa chìm trong tang thương, lửa đạn.

Dải Gaza là dải đất nhỏ, có diện tích khoảng 365 km2, giáp biên giới Israel và Ai Cập cũng như Địa Trung Hải. Đây là một trong hai vùng lãnh thổ của người Palestine. Khu vực còn lại là Bờ Tây do Israel kiểm soát, gồm Đông Jerusalem, các vùng giáp Jordan và Biển Chết.

Gaza từng là một phần của Đế chế Ottoman trước khi bị Anh chiếm đóng từ năm 1918 tới 1948, sau đó là Ai Cập từ 1948 tới 1967. Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel đã đánh bại liên quân Arab, đưa quân vào kiểm soát hoàn toàn Dải Gaza cũng như Bờ Tây.

Trong 38 năm kiểm soát Gaza, Israel đã cho xây dựng 21 khu định cư của người Do Thái trên vùng đất mà người Palestine tuyên bố là lãnh thổ của mình và xem chúng là một phần của nhà nước tương lai. Điều này đã gây ra nỗi phẫn nộ sâu sắc với người Palestine, châm ngòi làn sóng phản kháng ngày càng lớn.

1 Gaza   Dai Dat Nhieu Thap Ky Chim Trong Lua Dan

Khói lửa bốc lên sau cuộc oanh tạc của Israel vào thành phố Gaza ngày 9/10. Ảnh: AFP

Căng thẳng và bạo lực kéo dài nhiều năm, lên đến cao trào với vụ xe tải quân sự Israel đâm chết 4 người Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza vào ngày 9/12/1987, thổi bùng những cuộc biểu tình lớn và đụng độ giữa thanh niên Palestine với quân đội Israel.

Đây là nguồn cơn của intifada, phong trào nổi dậy chống Israel lần thứ nhất, kéo dài gần 4 năm của người Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza. Những cuộc đụng độ đẫm máu đã khiến Thủ tướng Israel Yitzhak Rabi năm 1992 phải thốt lên rằng "tôi muốn Gaza chìm xuống biển, nhưng điều đó là không thể, nên phải tìm ra một giải pháp".

Giải pháp đàm phán được Israel xúc tiến với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của lãnh đạo Yasser Arafat, dẫn đến hiệp ước hòa bình Oslo năm 1993. Theo thỏa thuận, PLO công nhận Nhà nước Israel, đổi lại Tel Aviv cũng công nhận PLO là đại diện của người dân Palestine và là đối tác trong các cuộc đàm phán.

Hiệp ước thừa nhận "quyền tự quyết của người Palestine", giúp họ có quyền quản lý Dải Gaza và Bờ Tây, cũng như giải quyết các vấn đề quan trọng như biên giới giữa Israel với Palestine hay hiện diện quân sự của Israel trên các vùng lãnh thổ.

Năm 1994, Chính quyền Palestine nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, trong khi quân đội Israel vẫn hiện diện ở vùng đất này. Bạo lực lan rộng tại khu vực sau khi phong trào intifada lần thứ hai của người Palestine khởi phát vào năm 2000, với sự trỗi dậy của Hamas, phong trào chủ trương sử dụng bạo lực để chống lại Israel.

Để đối phó, Israel bắt đầu xây dựng các hàng rào an ninh chắn giữa Dải Gaza với lãnh thổ nước này, cũng như tại biên giới với Ai Cập. Tuy nhiên, phong trào intifada đã thúc đẩy Thủ tướng Israel Ariel Sharo năm 2003 đề xuất kế hoạch rút quân và dỡ bỏ các khu định cư của nước này ở Dải Gaza.

Năm 2005, do áp lực trong nước và quốc tế, Israel từ bỏ kiểm soát Dải Gaza, rút toàn bộ binh sĩ cùng hơn 8.000 người định cư khỏi khu vực này. Quyết định rút quân của Israel đã tạo điều kiện cho Hamas trỗi dậy thành một phe phái chính trị lớn ở Gaza, cạnh tranh với Fatah, lực lượng trung thành với Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine và PLO.

Một năm sau khi Israel rút quân, Hamas đánh bại Fatah, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine. Khi Fatah không công nhận kết quả bầu cử, đụng độ lớn giữa hai bên đã nổ ra với phần thắng thuộc về Hamas. Không cuộc bầu cử nào được tổ chức ở Gaza kể từ đó.

Năm 2007, Hamas lật đổ Chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo và giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza. Đây cũng là thời điểm Israel áp đặt lệnh phong tỏa khu vực cả trên đất liền, trên không và trên biển với Gaza nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Hamas.

Liên Hợp Quốc chỉ trích việc phong tỏa của Israel "hủy hoại sinh kế" và cản trở phát triển của Dải Gaza. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho rằng việc phong tỏa vi phạm Hiệp ước Geneva, điều mà quan chức Israel bác bỏ.

Tel Aviv tranh luận rằng các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát biên giới Gaza, cản trở Hamas lớn mạnh và bảo vệ người dân Israel khỏi các cuộc tấn công bằng rocket mà nhóm này cùng các lực lượng vũ trang ở Gaza vẫn thường thực hiện.

Dải Gaza vẫn không im tiếng súng kể từ đó. Tháng 11/2008, quân đội Israel mở chiến dịch đột kích vào Dải Gaza, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian giữa Tel Aviv và các nhóm chiến binh. Thỏa thuận đổ vỡ dẫn đến gia tăng các cuộc tập kích qua lại giữa Dải Gaza và Israel. Một tháng sau, Israel mở chiến dịch quân sự kéo dài 3 tuần ở Gaza, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng.

2 Gaza   Dai Dat Nhieu Thap Ky Chim Trong Lua Dan

Khung cảnh đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn al-Shati ở Dải Gaza ngày 9/10. Ảnh: Reuters

Trong ba tuần này, Israel đã oanh tạc dữ dội vào Dải Gaza, khiến nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy và một trụ sở LHQ ở Gaza bị trúng bom. Hamas và các nhóm vũ trang Palestine cũng liên tục nã rocket vào Israel để đáp trả.

Tới tháng 11/2012, Israel phát động cuộc tấn công 8 ngày vào Gaza, bắt đầu bằng cuộc tập kích bằng máy bay không người lái khiến chỉ huy quân sự cấp cao của Hamas Ahmed Jaabari thiệt mạng. Hai bên giao tranh dữ dội, khiến hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có 2 binh sĩ và 4 thường dân Israel.

Xung đột năm 2012 kết thúc tương đối nhanh chóng nhờ can thiệp ngoại giao mạnh mẽ của chính phủ Ai Cập dưới thời Tổng thống Mohammed Morsi.

Chiến dịch dài nhất và dữ dội nhất của Israel ở Dải Gaza diễn ra vào mùa hè năm 2014, khi lực lượng Israel phát động cuộc chiến 50 ngày chống lại các nhóm chiến binh Palestine. Hơn 2.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 7.000 ngôi nhà bị phá hủy và 118 cơ sở của LHQ ở Gaza bị hư hại. Xung đột cũng khiến 67 binh sĩ Israel, 5 thường dân Israel và một công dân Thái Lan thiệt mạng.

Sau nhiều năm chỉ sử dụng rocket, súng cối với tầm bắn hạn chế, các nhóm chiến binh Palestine ở Gaza đã cho thấy khả năng nâng cấp vũ khí để khai hỏa sâu vào lãnh thổ Israel với những loại rocket có thể vươn tới Jerusalem và Tel Aviv.

3 Gaza   Dai Dat Nhieu Thap Ky Chim Trong Lua Dan

Những loại rocket Hamas dùng để tập kích Israel. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ

Năm 2021, Dải Gaza lần nữa chìm trong xung đột. Sau khi Hamas và nhóm chiến binh Hồi giáo Islamic Jihad nã rocket vào khu nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa linh thiêng ở Jerusalem, Israel phát động chiến dịch không kích, khiến hơn 250 người chết ở Gaza. Xung đột cũng khiến 14 dân thường và 1 binh sĩ Israel thiệt mạng. Cuộc đụng độ lần này kết thúc sau 11 ngày với lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian.

Những cuộc đụng độ bạo lực và nỗ lực phong tỏa của Israel đã khiến cuộc sống của hơn 2 triệu người ở Dải Gaza ngày càng bi thảm. Liên Hợp Quốc ước tính lệnh phong tỏa của Israel khiến nền kinh tế Palestine tổn thất gần 17 tỷ USD trong gần một thập kỷ.

Gisha, tổ chức phi chính phủ của Israel, cho biết Dải Gaza là "một trong những vùng lãnh thổ đông dân nhất thế giới". Diện tích Gaza lớn gấp đôi thủ đô Washington của Mỹ, nhưng dân số đông gấp ba. Khu vực này nhỏ hơn rất nhiều so với Bờ Tây, nơi có diện tích hơn 5.600 km2.

Dân số trên Dải Gaza rất trẻ. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính khu vực có khoảng một triệu trẻ em sinh sống, chiếm gần một nửa dân số. Gần 40% người sống ở Gaza dưới 15 tuổi, theo CIA.

Hơn 1,4 triệu cư dân ở Dải Gaza là người tị nạn Palestine, theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA). Khoảng 80% dân số sống dựa vào viện trợ quốc tế để tồn tại hoặc tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Điều kiện sống ở Gaza rất tồi tệ, với 95% dân số không được tiếp cận nước sạch và tình trạng thiếu điện thường xuyên.

4 Gaza   Dai Dat Nhieu Thap Ky Chim Trong Lua Dan

Cục diện khu Bờ Tây và Dải Gaza. Đồ họa: CNN

Gaza nhập khẩu chủ yếu thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng từ Israel và Ai Cập. Hầu hết nguồn rau quả tươi của Gaza đến từ các nông trại dọc biên giới Israel.

Dù có một nhà máy điện lâu đời, Gaza vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điện từ Israel. Vùng đất này có nguồn nước ngầm, song nhiều giếng đã bị hủy hoại vì ô nhiễm và nước biển xâm nhập. Hơn 90% nước trong tầng ngậm nước của Dải Gaza không thể uống được.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant ngày 9/10 thông báo Dải Gaza sẽ bị "bao vây hoàn toàn" trong giai đoạn đầu cuộc chiến, mọi nguồn cung thực phẩm, nước sạch, điện và nhiên liệu bị cắt.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói đất nước của ông sẽ "đáp trả với cường độ lớn chưa từng thấy", trong khi quan chức phụ trách hoạt động trên lãnh thổ Palestine Ghassan Alian nói chiến dịch tấn công của Hamas đã "mở cánh cửa địa ngục" với nhóm vũ trang này.

Nhưng khi Israel chuẩn bị cho chiến dịch lớn để "xóa sổ" Hamas, dân thường trên Dải Gaza vẫn phải chống đỡ với những đợt không kích liên tục, trong tình cảnh thiếu thốn đủ bề.

"Không ai cảm thấy an toàn. Các đợt tấn công xảy ra bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu mà không có cảnh báo. Vợ chồng tôi và hai con rất sợ hãi. Vô cùng sợ hãi", Jason Shawa, 55 tuổi, người Palestine đang sống ở Gaza, cho biết.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan