‘Công bằng và đối ứng’: Mỹ sắp ‘đánh’ tiếp thép và nhôm Việt Nam?

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News – Mới vào những ngày đầu năm âm lịch 2018, chính thể độc đảng và “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam đã phải nhận thêm một tin đáng não lòng: không chỉ thép, mà cả nhôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có thể sẽ bị đánh thuế cao.

Đài VOA dẫn một báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết Việt Nam nằm trong số các nước mà Bộ Thương mại Mỹ đề xuất áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ. Biện pháp này là một trong ba biện pháp khắc phục mà Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nêu ra trong khuyến nghị trình lên Tổng thống Donald Trump để đối phó với tình trạng dư thừa thép và nhôm nhập khẩu, sau khi Bộ Thương mại tiến hành các cuộc điều tra về tác động của việc nhập khẩu thép và nhôm đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Bộ Thương mại khuyến nghị mức thuế quan ít nhất là 53 phần trăm áp lên tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam và 11 nước khác, bao gồm Ai Cập, Ấn Độ, Brazil, Costa Rica, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Việt Nam cũng bị đề nghị mức thuế quan 23,6 phần trăm đối với tất cả các sản phẩm nhôm, cùng chung nhóm với Hong Kong, Nga, Trung Quốc và Venezuela.

Việt Nam đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, theo thống kê mà Bộ Thương mại Mỹ dẫn ra trong báo cáo. Việt Nam đứng thứ ba sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ…

Cần nhắc lại, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc hồi năm 2015 và 2016. Ngay sau đó, thép được nhập dồn dập vào Hoa Kỳ từ nhiều ngả khác nhau. Các nhà sản xuất thép của Mỹ phát hiện ra sản phẩm của Trung Quốc được chuyển sang các nước thứ ba để lách thuế nên đã khiếu nại lên cơ quan hữu trách Hoa Kỳ.

Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng Việt Nam, mặt hàng thép cuộn lạnh nhập vào Mỹ năm 2015 đã tăng vọt, từ 11 triệu đôla lên tới 295 triệu đôla. Biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực lên toàn bộ ngành thép Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm thép do chính Việt Nam sản xuất.

179 Content 43 2
Bộ Thương mại Mỹ công bố khuyến nghị sau khi họ tiến hành điều tra về tác động của các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu đối với an ninh quốc gia. Ảnh: VOA

Chỉ một tháng sau việc bất thần tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc”, Hoa Kỳ đã khiến giới chức thương mại Việt Nam” chịu sốc thêm một lần nữa khi thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.

8 công ty mà Mỹ khai báo với WTO đều là những cái tên nổi đình nổi đám ở Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC), Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Thoạt nhìn, sự kiện trên có vẻ không mấy bất thường trong quan hệ các thỏa thuận giao thương đa phương quốc tế. Tuy nhiên xét về chiều sâu quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam cũng như quan hệ thương mại đa phương giữa Việt Nam với nhiều quốc gia, sự kiện này không chỉ mang tính cảnh báo hay như một động tác trừng phạt mới về thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, mà còn có thể khiến Việt Nam bị không ít quốc gia quay lưng vì thói “gian lận thương mại” đã và đang hiển lộ một cách có hệ thống.

Vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.

Trong trường hợp nếu Việt Nam không đưa ra được các chứng cứ có tính thuyết phục để bác bỏ cáo buộc từ phía Hoa Kỳ, mà điều này thì quá khó, rất có thể việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ – thị trường đang giúp cho Việt Nam xuất siêu đến gần 38 tỷ USD vào năm 2017 – sẽ giảm sút. Và sau đó, các nước phát triển có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của 8 doanh nghiệp nhà nước trên sẽ giảm sút, thậm chí các doanh nghiệp khác ngoài 8 doanh nghiệp nhà nước bị cáo buộc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng có thể gặp khó khăn.

Mới đây, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ “tình yêu” đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ “siết nợ” thông qua nội dung “hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng”.

Biện pháp áp thuế cao đối với thép và nhôm Việt Nam có thể chỉ là động tác ban đầu của Bộ Thương mại Mỹ nhằm thực thi quan điểm “công bằng và đối ứng” của Trump.

Khả năng giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018 bị sụt giảm so với năm 2017 đang ngày càng hiện rõ.


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan