Ông Trump: đốt cờ Mỹ bị tù hay mất quốc tịch

Thẩm phán Tối cao Anthony Kennedy nói nhiều người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm khi cờ Mỹ bị đốt.

Tổng thống tân cử Donald Trump nói người nào đốt cờ Mỹ phải bị trừng phạt.

Ông đề nghị sự trừng phạt đó có thể lên đến một năm tù hay bị tước bỏ quốc tịch.

Ông Trump: đốt cờ Mỹ bị tù hay mất quốc tịch - 0

Tuy nhiên, không dễ dàng gì để ông Trump thực hiện đề nghị của mình.

Theo Tối cao Pháp viện Mỹ, đốt cờ là một hình thức phản kháng được phép.

Vào năm 1989, Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết hành động đốt cờ được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Tu chính án này đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân.

Muốn thay đổi một quyết định của Tối cao Pháp viện Mỹ cần phải hoặc là sửa đổi tu chính án hoặc phải có một phán quyết mới của Tòa án Tối cao. Cả hai điều này đều không dễ thực hiện.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ liên quan đến ông Gregory Lee Johnson. Ông bị bắt vào năm 1984 về tội đốt cờ Mỹ tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Texas. Ông Johnson nói ông đốt cờ để phản đối việc đề cử Tổng thống Ronald Reagan ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Tòa dưới xét thấy ông Johnson có tội. Nhưng tòa cấp cao đảo ngược quyết định này.

Thẩm phán Tối cao Anthony Kennedy nói nhiều người Mỹ cảm thấy bị xúc phạm khi cờ Mỹ bị đốt. Tuy nhiên, ông nói thêm là trong trường hợp của ông Johnson, đương sự đốt cờ như một hành vi phản đối. Là hành vi phản đối thì đốt cờ được bảo vệ như một hình thức tự do ngôn luận.

Thẩm phán Tối cao Kennedy viết:

“Điều khó khăn là đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định chúng ta không thích. Chúng ta có quyết định này vì đây là điều đúng, đúng trong nghĩa là luật pháp và Hiến pháp qui định như vậy.”

Bốn thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ đồng ý với ông Kennedy. Bốn thẩm phán khác không đồng ý.

Viết lên quan điểm của các thẩm phán thiểu số, thẩm phán Tối cao Pháp viện William Rehnquist cho rằng đốt cờ không phải là tự do ngôn luận. Ông nói điều này giống như là một người càu nhàu, gây tiếng động như một con thú.

Ông Trump không cho biết lý do vì sao thời điểm này ông lại nêu lên vấn đề đốt cờ.

Tuy nhiên, bình luận của ông trên Twitter được đưa ra sau khi một nhóm cựu chiến binh Mỹ biểu tình tại một trường đại học nhỏ ở tiểu bang Massachusetts vào cuối tuần qua. Họ phản đối việc gỡ bỏ một lá cờ Mỹ tại trường đại học Hampshire, một trường tư ở thị trấn Amherst.

Việc gỡ bỏ quốc kỳ xảy ra sau khi một số sinh viên treo cờ rũ hôm 9 tháng 11, một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống mà ông Trump được tuyên bố đắc cử.

Người ta chỉ treo cờ rũ khi một nhân vật quan trọng qua đời hay để ghi nhớ một biến cố bi thương. Một số giáo sư và sinh viên trường đại học Hampshire nói là họ lo ngại nhiều chuyện sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Trường này tiếp tục để cờ rũ đến ngày 10 tháng 11 và rồi bị đốt mà không biết người nào thực hiện.

Lá cờ mới sau đó lại được treo rũ trước khi Hiệu trưởng Jonathan Lash ra lệnh dỡ bỏ, viện lý do rằng một số người xem việc treo cờ rũ như một lời bình phẩm về cuộc bầu cử Tổng thống.

Hiệu trưởng Lash nói việc này không tượng trưng như một lời bình phẩm mà chỉ là nỗ lực của trường đối phó với những chia rẽ về lá cờ trong cộng đồng trường đại học.

Ông Lash nói “Chúng tôi nghe các thành viên của cộng đồng trường đại học chúng tôi nói rằng đối với họ cũng như đối với nhiều người trên đất nước chúng ta, lá cờ là một biểu tượng mạnh mẽ của sự sợ hãi mà họ cảm thấy trong đời sống của họ vì họ lớn lên trong những cộng đồng bị gạt bên lề, không bao giờ cảm thấy an toàn. Tuy nhiên đối với những người khác, lá cờ là biểu tượng của khát vọng cao nhất của họ đối với đất nước.”

Trên kênh truyền hình CNN ngày thứ Ba, ông Jason Miller, phát ngôn viên của ông Trump nhấn mạnh Tổng thống tân cử tin là việc đốt cờ nên được xem là bất hợp pháp.

Ông Miller nói “Tổng thống tân cử là một người ủng hộ rất mạnh mẽ Tu chính án thứ nhất, nhưng có sự khác biệt lớn giữa tu chính án này và việc đốt cờ Mỹ.”

Thượng nghị sĩ Harry Reid trưởng khối thiểu số tại Thượng viện Mỹ nói ông không đồng ý khi ông Trump đòi bỏ tù và tước quyền công dân những người đốt cờ Mỹ.

Còn phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnst thì cho rằng:

“Tổng thống tân cử đã nói hay viết trên Twitter những gì ông bất bình. Những quyền tự do chúng ta đều có thể tự bày tỏ theo cách chúng ta thường làm được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Những quyền tự do tương tự liên hệ đến việc hành đạo, tự do ngôn luận và tự động báo chí đều được ghi trong Hiến pháp và đáng được bảo vệ. Có nhu cầu phải bảo vệ những quyền này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, không chỉ vì chúng ta tán đồng mà cũng vì chúng ta cảm thấy bị xúc phạm. Nhiều người Mỹ, đa số người Mỹ, kể cả tôi, thấy việc đốt cờ là xúc phạm, nhưng là một quốc gia chúng ta có trách nhiệm cẩn thận bảo vệ những quyền của chúng ta được ghi một cách trang trọng trong Hiến pháp.”

Tuy nhiên, nhiều cử tri gốc Việt như chị Lanney Trần ở Los Angeles không đồng ý với việc đốt cờ thể hiện quan điểm. Chị Lanney chia sẻ ý kiến:

“Cái đó là một cái rất, rất là sai và không chấp nhận được. Lá cờ của Mỹ rất thiêng liêng, nó được bảo vệ bởi những người đã nằm xuống, đã cống hiến sinh mạng cũng như máu của họ đã đổ ra để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của tổ quốc Hoa Kỳ. Vậy đem đốt đi như vậy thì đâu có phải là nói lên tiếng nói của người dân Mỹ nữa.”

VOA


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan