Sinh viên Trung Quốc vỡ mộng du học

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những năm tháng đại học của nhiều người trẻ xứ tỷ dân ở Hàn Quốc không như những gì họ từng kỳ vọng.

Là fan Kpop lâu năm và tự học tiếng Hàn từ những năm đầu thiếu niên, Liu Yue (quê gốc Tứ Xuyên, Trung Quốc) nộp đơn vào Đại học Hàn Quốc năm 2018.

Hiện tại, cô gái 22 tuổi vẫn ở xứ kim chi và học năm cuối ngành Quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên, cuộc sống không giống như những gì cô từng mơ ước.

“Tôi luôn mong chờ những năm tháng đại học ở Hàn Quốc sẽ rất vui. Tôi hào hứng tham gia nhiều câu lạc bộ ở trường, kết bạn với nhiều người bản địa và đi du lịch khắp nơi”, cô kể.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Hàn Quốc từ đầu năm ngoái là đòn giáng mạnh nhất vào những kỳ vọng của Liu - người sống một mình ở Seoul từ đầu năm 2019.

1 Sinh Vien Trung Quoc Vo Mong Du Hoc

Liu Yue không ra ngoài nhiều như trước kể từ khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Liu Yue.

“Thời gian tôi ở nhà tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, tôi không có nhiều bạn bè vì hầu hết đồng hương của tôi đã trở về Trung Quốc trong đại dịch”, cô nói thêm.

Liu không phải người duy nhất không thể đắm mình trong trải nghiệm du học. Khi hầu hết lớp học chuyển sang online và nhiều hoạt động xã hội bị hạn chế suốt 2 năm qua, không ít sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Hàn Quốc phải sống trong bong bóng của chính họ, theo SCMP.

Ngay cả những người có thể hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc cũng nhận thấy rằng mọi thứ thậm chí còn trở nên khó khăn hơn trong đại dịch.

“Nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống ở Hàn đã quyết định trở về nhà”, Liu nói thêm.

Về nước học online

Kể từ khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào tháng 1 năm ngoái, Hàn Quốc đã trải qua những thăng trầm trong quá trình đối phó với dịch.

Các trường đại học không được an toàn trước tốc độ lây lan của virus. Theo Bộ Giáo dục, từ ngày 9 đến 15/12, 469 sinh viên tại các trường đại học Hàn Quốc được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2.

Gần đây, những lo lắng về việc sinh viên quốc tế đang theo học tại các trường đại học ở xứ sở kim chi bị nhiễm virus ngày càng gia tăng. Đặc biệt sau khi 3 sinh viên ở Seoul nằm trong số bệnh nhân đầu tiên được xác nhận nhiễm biến chủng mới Omicron.

Tuy nhiên, sự phổ biến của các lớp học online và nỗi lo về tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày tăng vọt đã khiến nhiều sinh viên Trung Quốc quay trở lại quê hương.

“Gần một nửa sinh viên Trung Quốc học cùng chuyên ngành với tôi đã về nước,” Gao Duomei (21 tuổi, người gốc Thẩm Dương), sinh viên Đại học Hàn Quốc, cho biết.

Theo Bộ Tư pháp, có 180.131 sinh viên quốc tế du học tại Hàn Quốc năm 2019, giảm 14,9% xuống 153.361 vào cuối năm 2020.

Theo Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc, số lượng sinh viên Trung Quốc đến Hàn Quốc giảm 30% từ năm 2019 đến 2020.

Sinh viên xứ tỷ dân tại 4 trường đại học lớn ở Seoul cho biết gần một nửa số bạn học người Trung Quốc của họ đã về nước. Ban giám hiệu nhà trường không trả lời các câu hỏi về số lượng sinh viên Trung Quốc chính thức rời đi.

He Zhiheng (22 tuổi), sinh viên Kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Điều này đặc biệt đúng nếu những môn bạn đang học không yêu cầu sự tham gia trực tiếp vào các thí nghiệm vật lý ở trường”.

“Phần lớn sinh viên Trung Quốc theo học giáo dục đại cương tại trường tôi đều trở về nước để học online, trong khi bạn học kỹ thuật của tôi đều ở lại Hàn Quốc”, anh nói thêm.

Cô lập

Hầu hết sinh viên Trung Quốc chọn ở lại Hàn khi tham gia các lớp học online đang sống trong cảnh bị cô lập với xã hội, chôn chân ở phòng và phải gọi đồ ăn hoặc tự nấu.

“Tôi cảm thấy rất cô đơn vì không thể gặp bạn bè thường xuyên. Năm ngoái, tôi thường đi ăn bên ngoài một mình nhưng giờ thì không còn thường xuyên như trước vì lo lắng về virus”, Wei Jinjin (23 tuổi, quê gốc Hàng Châu), theo học tiếng Hàn tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, cho biết.

“Giờ tôi thậm chí còn sợ hãi về virus mỗi khi đi lấy đồ ship tới. Đó là lý do tôi tự nấu ăn. Tôi thường nấu đồ chế biến sẵn mua từ siêu thị hoặc các món đơn giản của Trung Quốc”, cô nói thêm.

Một số sinh viên buộc phải ở lại Hàn Quốc vì các trường đại học của họ nhấn mạnh rằng tất cả kỳ thi phải được thực hiện trực tiếp.

“Tôi ở trong phòng 80% thời gian. Ai cũng cố gắng hạn chế ra ngoài vì Covid-19 đang lan rộng. Tôi đặt mua mọi thứ mình cần trên mạng và chỉ ra ngoài khi có bài kiểm tra hoặc thực hành”, He Zhiheng nói thêm.

Đối với những người vẫn ở Hàn Quốc, Covid-19 khiến việc giao tiếp xã hội trở nên khó khăn hơn đáng kể, đặc biệt là với các bạn học Hàn Quốc.

“Tôi vẫn có thể gặp gỡ những người bạn Trung Quốc mới thông qua cuộc trò chuyện nhóm được lập trước khi các lớp học bắt đầu. Nhưng tôi không có cách nào để làm quen với các bạn học Hàn Quốc khi tất cả lớp học đều online”, Lian Tianyu (23 tuổi), sinh viên Quản trị kinh doanh tại Đại học Sogang, nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vấn đề sinh viên Trung Quốc không dễ dàng hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc không phải là hiện tượng mới và đã tồn tại trước cả đại dịch Covid-19.

Wang Minghui (27 tuổi, quê gốc Vũ Hán), hiện theo học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết điều đầu tiên và quan trọng nhất mà sinh viên Trung Quốc ở Hàn có thể làm để thoát khỏi bong bóng là nỗ lực hơn nữa để học tiếng Hàn, kết bạn nhiều hơn, tích cực giao lưu với xã hội.

Wang thừa nhận anh đang cảm thấy xa cách với bạn bè, đồng nghiệp, bạn học Hàn Quốc do các lớp học online và các biện pháp giãn cách xã hội khác.

Wang, đã kết hôn với một người Hàn Quốc, cho biết trường hợp của mình dễ dàng hơn một chút vì anh phải đến trường hàng ngày để làm việc trong phòng thí nghiệm - nơi anh là sinh viên Trung Quốc duy nhất.

“Tôi nghĩ rằng nếu chỉ tham gia các lớp học online từ Trung Quốc, bạn không thực sự đang theo học một trường học của Hàn Quốc. Điều này giống như đi mua bằng vậy. Bạn không thể gặp bất kỳ bạn bè hoặc giáo sư nào trong khuôn viên trường. Trải nghiệm đi học thực sự có nghĩa là bạn tương tác với mọi người”, anh nói.

Wang chia sẻ thêm: “Tôi nhận thấy sau khi đại dịch bùng phát, có rất nhiều người Hàn Quốc cảm thấy tiêu cực về Trung Quốc. Đây là điều dễ hiểu, nhưng đôi bên nên nỗ lực nghiêm túc để hiểu nhau. Luôn có những người có thành kiến với bạn, nhưng họ chỉ là thiểu số. Sinh viên Trung Quốc không nên tách rời số đông chỉ vì suy nghĩ của thiểu số”.

Thiên Nhi

Nguồn: zing.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan