Hà Nội hỗ trợ gần hai triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Ngoài gần hai triệu người thuộc diện được hỗ trợ với khoảng 1.500 tỷ đồng, thành phố rà soát hỗ trợ thêm những trường hợp không nằm trong quy định của Chính phủ.

Thông tin về việc Hà Nội triển khai sớm Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh được Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết tại cuộc họp báo phòng, chống Covid-19, chiều 6/8.

Thành phố cũng chủ động hỗ trợ 3.180 hộ nghèo không thuộc nhóm trên. Các địa phương có cơ chế riêng hỗ trợ những gia đình khó khăn. Nhiều tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, người hảo tâm đã giúp đỡ các gia đình, cá nhân khó khăn.

Phó bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho rằng lúc bình thường các đối tượng yếu thế đã khó khăn, nay trong tình hình dịch càng khó khăn hơn. Do đó, thành phố đã chủ động giao các đơn vị liên quan rà soát người không nằm trong 12 đối tượng của Nghị quyết 68 để hỗ trợ.

1 Ha Noi Ho Tro Gan Hai Trieu Nguoi Bi Anh Huong Boi Covid 19

"Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" được tổ chức tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, từ ngày 1/8 nhằm hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, thương binh, sinh viên bị kẹt lại Hà Nội do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành.

Hà Nội quyết định, để dành nguồn lực cho chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh việc cắt giảm chi thường xuyên, hạn chế hội họp, đi công tác, thành phố tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Thông tin về nguồn cung hàng hóa, giá cả, Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết qua 13 ngày giãn cách xã hội, hàng hoá được đáp ứng đầy đủ, "chưa có người dân nào không mua sắm được hàng hoá thiết yếu".

2 Ha Noi Ho Tro Gan Hai Trieu Nguoi Bi Anh Huong Boi Covid 19

Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại buổi họp báo chiều 6/8. Ảnh: Xuân Hải.

Những ngày đầu thực hiện giãn cách gặp khó khăn liên quan"luồng xanh" nên có hiện tượng ùn ứ ở một số cửa ngõ nhưng thành phố đã ban hành văn bản tháo gỡ.

28/30 quận, huyện, thị xã đã phát phiếu đi chợ cho người dân để giảm tải việc ra đường, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các doanh nghiệp phối hợp với quận huyện tổ chức bán hàng lưu động. Hình thức thương mại điện tử được quan tâm, nhân viên vận chuyển hàng hoá được thống kê cấp mã để đi lại...

Hà Nội cũng chủ động rà soát nguồn cung, tổ chức nuôi trồng con, cây phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thành phố phối hợp với các tỉnh, nhất là các tỉnh chưa có dịch để bổ sung nguồn thực phẩm.

Trước đó, hôm 1/7, Chính phủ ra gói an sinh 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch.

Hơn 20 ngày sau, Hà Nội ban hành kế hoạch hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn. Theo đó, người được hỗ trợ phải đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và bị mất việc làm do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của thành phố, từ 1/5 đến 31/12/2021; là lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.

Chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành công điện 18 về việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.

Công điện yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành chủ động phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường. Nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt ở các khu vực cách ly, phong tỏa, cần được bảo đảm, không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.

Đây là lần thứ ba Hà Nội thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Ngoài đợt giãn cách từ 24/7 đến ngày 7/8, hơn một năm trước, đầu tháng 4/2020 cùng với 11 tỉnh thành "nguy cơ cao", Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 trong gần một tháng.

Võ Hải

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan