Đà Nẵng đứng cuối về công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện

Không có quận, huyện nào của Đà Nẵng công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, theo nghiên cứu của UNDP.

Ngày 12/3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo rà soát việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2023. Kết quả năm 2023 có 461 trên 705 đơn vị cấp huyện của cả nước công khai quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, chiếm 65,4% và tăng hơn 16% so với năm 2022.

Tất cả cấp huyện ở Đồng Nai, Kon Tum, Bình Thuận, Hà Nam, Bắc Ninh và Bắc Giang đăng công khai quy hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của mình. Trong khi đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ công khai thấp. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu không tìm thấy loại hồ sơ này trên tất cả trang thông tin điện tử của UBND quận, huyện của TP Đà Nẵng.

1 Da Nang Dung Cuoi Ve Cong Khai Quy Hoach Su Dung Dat Cap Huyen

Toà nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Về bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020-2024, đến tháng 10/2023, có 46 tỉnh thành công khai, so với năm 2022 tăng 5 tỉnh và tăng 19 tỉnh so với 2021.

Nhóm nghiên cứu cho biết một số bảng giá đất cấp tỉnh đã công khai năm 2022 không còn ghi nhận ở năm 2023 do đường link không hoạt động. Như vậy tỷ lệ công khai bảng giá đất mới đạt 73%, chưa đảm bảo tính kịp thời theo quy định pháp luật là bảng giá đất phải được công khai vào ngày 1/1, theo đại diện UNDP.

Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023, nhóm nghiên cứu chỉ ra năm 2023 đã có 460 UBND huyện công khai, chiếm 65%. So với năm 2022, tăng 10% và tăng hơn 17% so với năm 2021. Có 7 tỉnh 100% đơn vị cấp huyện công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2023 là Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và Phú Yên. Hòa Bình và Điện Biên có tỷ lệ UBND cấp huyện đăng tải công khai loại tài liệu này thấp nhất, chỉ đạt 20%.

Cũng trong đợt này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm gửi 561 thư yêu cầu cung cấp thông tin tới các văn phòng UBND cấp huyện. Kết quả, đã có 133 văn phòng HĐND - UBND huyện cung cấp thông tin, 6 nơi từ chối, 30 cơ quan có phản hồi nhưng không cung cấp thông tin, 381 cơ quan không phản hồi.

"Kết quả này cho thấy tỷ lệ cơ quan nhà nước không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin vẫn ở mức cao. Đặc biệt có 11 trong số 561 thư yêu cầu đã được bưu cục trả lại cho người gửi với lý do nhân viên bảo vệ của 11 UBND cấp huyện từ chối nhận thư vì không có tên người nhận trong khi đã đề tên là Văn phòng HĐND - UBND", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đề nghị bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân vào bộ thủ tục hành chính của tất cả ngành và lĩnh vực; xây dựng cơ chế đánh giá việc công khai thông tin và chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp UBND các cấp có thẩm quyền không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm công khai thông tin.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng công khai minh bạch thông tin đất đai là rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro về khiếu nại và xung đột liên quan đến đất đai. "Đánh giá này sẽ cung cấp cho lãnh đạo chính quyền địa phương công cụ để theo dõi việc thực thi luật pháp liên quan đến công khai thông tin đất đai cho công chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ tháng 1 năm sau", bà nói.

Từ năm 2021, Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) phối hợp nghiên cứu việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường mạng.

Nhóm nghiên cứu thực hiện theo hai phương pháp là tra cứu tại trang thông tin điện tử cấp tỉnh, huyện và gửi mẫu khảo sát, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin. Báo cáo là cơ sở để trung ương cũng như các địa phương điều chỉnh chính sách phù hợp với các quy định liên quan cũng như nhu cầu của người dân.

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan