Vũ khí giá rẻ có thể giúp Ukraine tập kích cầu Crimea

Chuyên gia phương Tây nhận định xuồng tự sát là vũ khí giá rẻ và "phi đối xứng" mà Ukraine đã tận dụng để tấn công các mục tiêu như cầu Crimea.

Mykhailo Fedorov, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine, ngày 17/7 thông báo các "phương tiện hàng hải không người lái" đã gây ra các vụ nổ làm hư hại một nhịp cầu Crimea nối bán đảo cùng tên với lục địa Nga, khiến giao thông ở tuyến đường trọng yếu này tê liệt.

Truyền thông phương Tây dẫn các nguồn tin cho biết Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và hải quân nước này đã phối hợp tấn công cầu Crimea bằng xuồng tự sát không người lái (USV).

Các chuyên gia phân tích phương Tây nhận định USV sẽ là vũ khí giá rẻ hiệu quả cao mà Ukraine có thể tận dụng để tung ra các đòn tấn công tầm xa vào sau phòng tuyến Nga, trong đó cầu Crimea là mục tiêu hàng đầu.

1 Vu Khi Gia Re Co The Giup Ukraine Tap Kich Cau Crimea

Xuồng tự sát không người lái của Ukraine dạt vào bờ biển gần Sevastopol hồi tháng 9/2022. Ảnh: Drive

USV được nhiều quốc gia phát triển, trong đó có Ukraine và Mỹ, với nguyên lý sử dụng phương tiện điều khiển từ xa mang theo khối thuốc nổ lớn để lao vào mục tiêu như cầu, tàu chiến. Khí tài này có giá tương đối rẻ, đặc biệt so với chiến hạm truyền thống hoặc hệ thống phòng thủ cần thiết để tiêu diệt chúng.

Ukraine đã gây quỹ cộng đồng để phát triển một hạm đội USV cho hải quân, các phương tiện này lần đầu giúp họ có lợi thế trong chiến dịch tấn công các chiến hạm Nga hồi tháng 10/2022.

Samuel Bendett, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải tại Mỹ, nhận định "chi phí chế tạo và bảo vệ USV ít hơn rất nhiều so với số tiền mà bên phòng thủ phải bỏ ra để đối phó với chúng".

Điều này tạo ra lợi thế phi đối xứng cho Ukraine, khi họ có thể gây áp lực cho hệ thống phòng thủ của Nga với chi phí thấp cùng nguồn lực có sẵn trong điều kiện chiến sự. Nó cũng gây ra mối đe dọa thường trực với cầu Crimea, công trình được đánh giá mang tính biểu tượng lớn và tài sản có giá trị của Nga.

Nga từng sử dụng cầu Crimea vận chuyển thiết bị quân sự trước khi mở chiến dịch hồi cuối tháng 2/2022. Hồi tháng 10 năm ngoái, cây cầu bị tấn công và sập hai nhịp, buộc Nga phải chuyển hoạt động vận tải sang hành lang trên bộ nối từ bán đảo Crimea đến vùng phía tây nước này.

Việc cầu Crimea liên tục bị tấn công đặt ra câu hỏi về cách Nga có thể bảo vệ cây cầu huyết mạch này trước mối đe dọa từ USV.

2 Vu Khi Gia Re Co The Giup Ukraine Tap Kich Cau Crimea

Hiện trường vụ tấn công cầu Crimea ngày 17/7. Ảnh: RIA Novosti

"USV không thể vượt qua quãng đường hàng nghìn km, chúng cần vận hành gần vị trí của người điều khiển hoặc khu vực triển khai", chuyên gia Bendett nói.

Để phát hiện tàu mẹ triển khai USV, Nga sẽ phải bố trí lượng lớn phương tiện trinh sát, tuần tra vùng biển xung quanh, cũng như các cảm biến hiện đại để phát hiện những động thái bất thường.

Họ cũng phải triển khai các hệ thống phòng thủ dày đặc để sẵn sàng bắn hạ USV áp sát cây cầu dài tới 19 km. "Thật khó để bảo vệ hiệu quả một công trình lớn như vậy 24/7", Bendett cho hay.

Vẫn còn quá sớm để kết luận về mức độ thiệt hại trong vụ tấn công cầu Crimea ngày 17/7, nhưng chuyên gia Bendett cho rằng đây có thể là chiến thắng với Ukraine và báo hiệu giai đoạn khó khăn với Nga trong nỗ lực bảo vệ cầu.

"Vụ tấn công cho thấy Ukraine đã khai thác thành công lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ cầu Crimea bằng cách tung ra những USV tương đối rẻ tiền nhưng hiệu quả", chuyên gia này nói.

Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan