Ôtô điện Trung Quốc đe dọa ngành công nghiệp ôtô Đức

Chi phí cao, nhu cầu giảm, cạnh tranh khốc liệt đang khiến công nghiệp ôtô Đức ngày càng chịu áp lực, đặc biệt trước các đối thủ Trung Quốc.

1 Oto Dien Trung Quoc De Doa Nganh Cong Nghiep Oto Duc

Khủng hoảng đang ngày càng lan rộng trong nền kinh tế Đức khi những cuốn sổ đặt hàng ngày càng mỏng đi và sức mua của người tiêu dùng đang co lại giữa lúc lạm phát tăng.

Các nhà sản xuất ôtô của quốc gia Tây Âu đang hứng chịu những cơn gió ngược chiều nhưng họ thậm chí còn phóng đại những vấn đề về kết cấu nội tại. Việc dịch chuyển sang xe điện và công nghệ lái tự động cũng khiến chi phí cao hơn, trong khi những khoản ngân sách cần thiết - vẫn chủ yếu đến từ việc bán ôtô động cơ đốt trong - ngày càng bất ổn, chưa kể đến tình hình chính trị không thuận lợi.

Số liệu của các hãng trong nửa đầu năm có thể mang lại sự hài lòng, như của Volkswagen, Mercedes và BMW. Tất cả đều báo cáo tăng doanh thu và lợi nhuận cao hơn. Nhưng triển vọng cho phần còn lại của năm đã gây thất vọng đối với các nhà đầu tư cũng như cổ đông. Lạm phát và lãi suất tăng gây tác động xấu, nhu cầu mua xe cũng ít hơn.

"Kể cả khi bạn thấy sản lượng tăng, thì đó cũng không phải là dấu hiệu của sự dễ dàng", Hildegard Muller, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ôtô Đức (VDA), cảnh báo, thêm rằng doanh số vẫn thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch Covid-19, là năm 2019.

Lượng đơn đặt hàng đang giảm ở Đức, đặc biệt với dòng xe thuần điện, với nhu cầu chỉ còn khoảng 60% so với 2022.

2 Oto Dien Trung Quoc De Doa Nganh Cong Nghiep Oto Duc

BYD Song Plus EV - mẫu xe điện bán chạy nhất của BYD trong tháng 7 tại Trung Quốc, với doanh số hơn 51.000 xe. Ảnh: BYD

Trung Quốc - thị trường ôtô quan trọng và lớn nhất thế giới - lại tăng trưởng chóng mặt, đặc biệt về xe điện, không chỉ về lượng xe đăng ký mới mà cả trong sản xuất.

Các hãng sản xuất của Trung Quốc cũng tạo ra những thay đổi công nghệ nhanh chóng và bắt kịp thương hiệu đi đầu - Tesla. Khách hàng Trung Quốc ngày càng tin dùng xe nội địa. Hãng xe lớn nhất Trung Quốc, BYD, bán nhiều hơn 29% xe thuần điện so với Tesla trong nửa đầu năm, theo Hiệp hội ôtô con Trung Quốc (CPCA).

Ralf Brandstatter, thành viên của Volkswagen Trung Quốc, phải thừa nhận rằng hãng Đức bị BYD vượt mặt trong quý I vừa qua. BYD giao được số xe điện nhiều gấp gần 20 lần so với Volkswagen tại quốc gia Đông Á.

Để bắt kịp làn sóng đang ngày càng mạnh mẽ ở Trung Quốc, Volkswagen công bố hợp tác với hãng xe điện Xpeng ở các lĩnh vực truyền động điện, phần mềm và lái tự động. Việc bắt tay với startup Trung Quốc khiến hãng Đức tốn khoảng 700 triệu USD và mục tiêu là đưa hai mẫu xe điện Volkswagen đến Trung Quốc tính đến hết 2026.

Những thương hiệu cao cấp thuộc Volkswagen là Porsche và Audi cũng cảm thấy áp lực rõ ràng. Mercedes và BMW không ngoại lệ.

Trong một nghiên cứu mới đây của công ty tư vấn Berylls, thế giới đang chứng kiến sự "thay ca ở Trung Quốc" trong phân khúc cao cấp. Trong cuộc cạnh tranh với các hãng sản xuất xe sang truyền thống từ Đức, các đối thủ Trung Quốc đang "chiếm mất làn xe chạy nhanh", nghiên cứu nêu rõ.

Trong suốt hàng thập kỷ, các hãng xe Đức thống trị thị trường Trung Quốc với việc sử dụng một chiến lược nhỏ giọt: giới thiệu công nghệ mà họ đã phát triển như những lựa chọn tính thêm phí đối với khách hàng và tiếp tục bán xe ở phân khúc giá cao, cho đến khi các đối thủ đuổi kịp.

Các mẫu xe hạng sang Đức cũng từng được coi là biểu tượng lý tưởng cho tầng lớp trung và thượng lưu ở Trung Quốc. Những thương hiệu nội địa thường ở phía sau khi được đánh giá về chất lượng và công nghệ.

Nhưng giờ đây, xe Trung Quốc đang dần chiếm vị thế, đặc biệt về những tính năng kỹ thuật số như công nghệ hỗ trợ tiên tiến và các hệ thống thông tin giải trí. Về tiện nghi và chất lượng, các hãng xe nội địa cũng được người tiêu dùng trong nước đánh giá gần bằng hoặc thậm chí nhỉnh hơn so với các hãng xe lâu năm.

Lúc này, đến 80% tổng số xe thuần điện ở Trung Quốc là từ các nhà sản xuất nội địa. Trong top 10 xe bán chạy, chỉ có Tesla là của nước ngoài, và không một thương hiệu Đức nào góp mặt.

Trên toàn thị trường ôtô ở Trung Quốc, gồm cả xe động cơ đốt trong, các thương hiệu nội địa có thể đạt doanh số vượt các hãng nước ngoài lần đầu tiên trong năm nay, với thị phần 51%. Con số này dự kiến đạt 65% đến hết 2030, theo báo cáo do công ty tư vấn AlixPartners công bố cho 2023.

Minh chứng rõ ràng nhất cho làn sóng ôtô từ Trung Quốc là việc quốc gia này đã thế chỗ Nhật Bản thành nhà vô địch xuất khẩu xe hơi trong quý I năm nay. Trong 2020, Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ 6.

"Trung Quốc đang trở thành một siêu cường về ôtô. Thời kỳ lợi nhuận kỷ lục cho các hãng xe Đức đang đi đến hồi kết", Fabian Piontek, chuyên gia của AlixPartners, kết luận.

Mỹ Anh (theo DW)


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan