Đại học ở Mỹ, Nhật nguy cơ 'đói' sinh viên

Tỷ lệ sinh giảm, học phí và nợ vay sinh viên tăng vọt, khiến số người vào đại học ở Mỹ, Nhật ngày càng ít, nhiều trường phải đóng cửa.

Grayson Hart từng là học sinh giỏi của trường trung học ở bang Tennessee, mơ ước làm diễn viên hoặc giáo viên. Hart luôn tin rằng đại học là con đường duy nhất để có công việc tốt, sự ổn định và cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi suy nghĩ của Hart.

Một năm sau khi tốt nghiệp trung học, Hart đang chỉ đạo một chương trình sân khấu dành cho giới trẻ ở Jackson, bang Tennessee. Trúng tuyển đại học nhưng Hart từ bỏ.

"Rất nhiều người phải đối mặt với đại dịch. Tại sao lại bỏ hết tiền để mua một mảnh giấy mà thực sự chẳng giúp ích được gì cho việc tôi đang làm lúc này?", Hart nói.

1 Dai Hoc O My Nhat Nguy Co Doi Sinh Vien

Bộ giáo dục Nhật Bản dự đoán số lượng sinh viên vào đại học vào năm 2050 khoảng 490.000, ít hơn khoảng 130.000 so với 2022. Ảnh: Kai Fujii

Hart là một trong hàng trăm nghìn thanh niên đến tuổi trưởng thành trong thời kỳ đại dịch nhưng không học đại học ở Mỹ.

Theo National Student Clearinghouse, cơ quan nghiên cứu về lộ trình và xu hướng học tập của sinh viên Mỹ, tuyển sinh đại học đã giảm 8% từ năm 2019 đến năm 2022. Sự sụt giảm vẫn tiếp diễn kể cả khi các lớp học đã trở lại trực tiếp.

Dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Giáo dục quốc gia Mỹ cũng cho thấy sau khi tăng trong nhiều thập kỷ, tuyển sinh đại học đạt đỉnh điểm vào năm 2010 với khoảng 18,1 triệu sinh viên, nhưng sau đó giảm dần. Năm 2021, chỉ khoảng 15,4 triệu người đăng ký vào đại học.

Tương tự Mỹ, Nhật Bản cũng đối mặt với tình trạng thiếu đầu vào đại học. Lần đầu tiên, hơn một nửa số trường đại học tư thục của nước này không tuyển đủ chỉ tiêu cho năm học mới, hồi tháng 4. Hiện, một nửa trong số khoảng 600 cơ sở không hoạt động hết công suất và 1/3 đang trong tình trạng báo động đỏ.

Từ năm 2024, chính phủ Nhật Bản loại các trường đại học khỏi chương trình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên khó khăn nếu những trường này không tuyển được ít nhất 80% chỉ tiêu trong 3 năm. Tổng cộng 155 trường đại học, tương đương 26% số cơ sở giáo dục thuộc diện này.

Cuộc khủng hoảng số người học đại học ở Nhật, Mỹ được cho là do tỷ lệ sinh giảm. Tại Nhật Bản, số thanh niên 18 tuổi đã giảm gần một nửa sau ba thập kỷ, từ hơn 2 triệu năm 1990 xuống còn 1,1 triệu hiện nay. Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ nước này, con số dự kiến tiếp tục giảm còn 880.000 vào năm 2040. Trong 30 năm qua, số thanh niên 18 tuổi ở Nhật Bản đã giảm hơn 40%, trong khi số trường đại học tư lại tăng 60%.

Còn tại Mỹ, tỷ lệ sinh gần như liên tục giảm từ năm 1990 đến nay. Theo trang dữ liệu Statista, vào năm 1990, cứ 1.000 người Mỹ thì có 16,7 ca sinh, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 11. Do đó, các chuyên gia dự đoán sẽ có một đợt giảm tuyển sinh khác, sau năm 2025.

Ngoài ra, lạm phát học phí, nợ vay sinh viên được cho là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ Mỹ không thiết tha với đại học. Số liệu của tổ chức xếp hạng đại học US News cho thấy, từ 2003 đến 2023, học phí các đại học công lập tăng 175% với sinh viên trong nước. Ở các đại học tư, học phí tăng 134%. Còn trong 20 năm (2000-2020), tổng khoản chi học phí và lệ phí đại học tăng 67%, cao gấp đôi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (33%), theo Best Colleges.

Trong 15 năm qua, tổng dư nợ vay sinh viên ở Mỹ tăng gấp ba lần, từ khoảng 580 tỷ USD năm 2008 lên 1.760 tỷ USD. 43 triệu người Mỹ nợ nần vì học đại học, 55% sinh viên từ các trường công phải vay.

Trong cuộc khảo sát của BestColleges năm 2022 với hơn 2.500 người từ 18 tuổi trở lên, 54% gặp khó khăn tài chính do học phí tăng, 48% lo ngại nợ sinh viên và 30% lo lắng về chi phí sinh hoạt. 6 trong số 10 người được hỏi nói rằng ảnh hưởng kinh tế sau dịch buộc họ phải xem xét lại kế hoạch học đại học.

Một số cố vấn và hiệu trưởng sốc khi thấy học sinh tốt nghiệp trung học đổ xô đi làm tại các nhà kho của Amazon, nhận những công việc bán lẻ hoặc làm ở nhà hàng với mức lương cao.

Daniel Moody, 19 tuổi, được tuyển dụng để điều hành hệ thống ống nước cho nhà máy sau khi tốt nghiệp trường trung học Memphis năm 2021. Moody rất vui khi kiếm được 24 USD (hơn 580.000 đồng) mỗi giờ làm việc.

"Nếu tiếp tục học đại học, tôi sẽ nhẵn túi. Bạn sẽ không kiếm được số tiền như tôi đang kiếm ở đây khi cố gắng học đại học", Moody nói.

2 Dai Hoc O My Nhat Nguy Co Doi Sinh Vien

Tòa giảng đường chính của ICU. Ảnh: Tomohiro Ohsumi

Các nhà kinh tế cho rằng tác động của việc tuyển sinh giảm báo hiệu một thế hệ mới không mấy tin tưởng vào giá trị của bằng đại học. Ít sinh viên tốt nghiệp đại học hơn còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến công nghệ thông tin.

Ngoài ra, tuyển sinh không đủ khiến nhiều trường phải đóng cửa, đặc biệt là trường tư khi học phí và phí tuyển sinh chiếm tới 70% doanh thu.

Nghiên cứu của giáo sư Yushi Inaba tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế (ICU) cho thấy ít nhất 11 đại học ở Nhật Bản đóng cửa từ năm 2000 đến năm 2020. 29 trường hợp sáp nhập, so với chỉ 3 trường trong 50 năm trước đó. Đại học Keisen ở Tokyo, hồi tháng 3 tuyên bố sẽ đóng cửa ngay sau khi số sinh viên hiện tại tốt nghiệp.

Dù vậy, theo BestColleges, các trường sẽ tìm mọi cách để khắc phục sự sụt giảm này. Nhiều trường ở Mỹ đưa ra các chiến lược tiếp thị để thu hút nhiều sinh viên hơn, điều chỉnh chương trình để đáp ứng nhu cầu của họ và nhà tuyển dụng.

Ở Nhật, một số trường mở chương trình dạy bằng tiếng Anh hoặc thêm môn học như hoạt hình, tiếp thị và quản lý quốc tế. Không ít trường mở rộng quan hệ với các trường trung học để tạo nguồn sinh viên tương lai.

Hart cho biết đang làm những gì mình yêu thích và đóng góp cho cộng đồng nghệ thuật của thành phố. Công việc của Hart cho thu nhập ổn định nhưng không nhiều. Đôi khi anh nghĩ đến Broadway nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng cho 10 năm tới.

"Tôi thực sự lo lắng về tương lai", Hart nói. "Nhưng tôi cố gắng nhắc nhở bản thân rằng tôi đang làm tốt ở vị trí hiện tại và sẽ đi từng bước một".

Bình Minh (Tổng hợp)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan