Tỷ lệ án oan sai ở Việt Nam là bao nhiêu?

Ở Việt Nam câu hỏi “tỷ lệ án oan sai là bao nhiêu %” nên đổi thành “ tỷ lệ án không oan sai là bao nhiêu %” thì có lẽ sẽ dễ đưa ra con số hơn. Ngành toà án Việt Nam cần một quá trình đại phẫu.

1 Ty Le An Oan Sai O Viet Nam La Bao Nhieu

1. Chứng cứ buộc tội ông Trần Hùng chưa thuyết phục

Ông Trần Hùng nhiều lần nhiều nơi tuyên bố không ai hối lộ được ông, kể cả những vụ án “mạnh về tiền bạc và quyền lực” như phân bón Thuận Phong [1], thì hẳn trong lòng ông Trần Hùng phải có một niềm tin vững chắc.

Không giống như các ông viết sách giáo huấn hàng ngày rao giảng đạo đức (nhưng trên thực tế thì nhiều lần nhận hối lộ), phát biểu của ông Trần Hùng trước đây và tại Toà luôn có khí phách. Giống như những người có bản lĩnh hiến dâng vì lẽ phải, họ hiên ngang trước Toà, không cầu ban ơn, không khóc lóc hay xin lỗi cấp trên, ông Trần Hùng rồi sẽ tiếp tục kháng án.

Chứng cứ buộc tội ông Trần Hùng chưa thuyết phục [2]. Nhưng sợ rằng, thẩm phán rồi cũng sẽ tuyên là “đủ chứng cớ” như bao vụ án đã có quyết định trước khi xét xử. Hai thập niên gần đây, chưa thấy vụ án nào thay đổi căn bản phán quyết từ tranh tụng. Giáo án đã được soạn sẵn.

Làm thất thoát 15 000 tỷ đồng, cựu phó thống đốc ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình bị tuyên án 3 năm tù cho hưởng án treo [3]. Gây thiệt hại 53 tỷ đồng trong một phi vụ bị phát hiện, ông Nguyễn Quang Tuấn bị kết tội 3 năm tù giam [4]. Nhận hối lộ 200 000 USD (khoảng 5 tỷ đồng) trong một lần bị phát hiện, ông Chu Ngọc Anh bị tuyên phạt 3 năm tù giam [5]. Bị quy nhận hối lộ 300 triệu đồng, ông Trần Hùng bị toà sơ thẩm kết án 9 năm tù giam [6]. Không thể tìm thấy sự công bằng giữa các phán quyết này. Cách kết tội của các thẩm phán Việt Nam thật lạ lùng!

Những người có tính cách như ông Trần Hùng không nhiều trong giới thi hành công vụ hiện nay. Ông Trần Hùng trở thành đối tượng không mong muốn của một số người. Không thể áp dụng phương châm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” ở bất cứ nơi nào. Có tội thì phải chịu tội, nhưng phải đủ chứng cứ mới kết tội, chưa đủ chứng cứ thì chưa kết tội. Phải xử đúng người đúng tội.

2. Án sai oan không chỉ có mấy vụ nêu trên.

Vụ án bán con ruột bị kết án 23 năm tù tổng cộng cho cả bố lẫn mẹ [7] đang gây phẫn nộ trong xã hội vì xử sai và không có tính nhân đạo. Bỏ tù mẹ 10 năm, bố 13 năm thì ai nuôi 3 đứa con nhỏ còn lại?

Không bố mẹ nào mà không xót thương con. Năm 1945 vì đói, không biết bao nhiêu gia đình phải bán con, cho con, mong con có một chỗ ăn ở tốt hơn để thoát chết vì đói rét. Xét về hoàn cảnh thì đó là một giải pháp chấp nhận được, có lợi hơn cho người con và cho cả gia đình.

Xử án mà không phân biệt được các tình huống để áp dụng luật thì phán quyết trở thành tội ác.

Tình cảnh tương tự như phải bán con nêu trên không cá biệt. Chẳng hạn như trường hợp người mẹ ở Cà Mau [8] tự vẫn để lấy tiền phúng viếng cho con học, hay như trường hợp người mẹ ở Huế [9] tự tử để lại 400 ngàn đồng cho 4 con thơ. Đó là những trường hợp còn bi thương hơn tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.

3. Lãnh đạo lên tiếng?

Ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây, lúc còn giữ chức Thủ tướng rồi Chủ tịch nước, khi nghe những trường hợp báo chí và mạng xã hội lên tiếng, thường chỉ đạo cấp dưới theo dõi và giải quyết [10].

Không biết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính có thời gian để biết đến những vụ án như đã nêu trên không?

4. Tỷ lệ án oan sai ở Việt Nam là bao nhiêu? Thật không dám đưa ra con số nghĩ trong lòng.

TS Nguyễn Ngọc Chu


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan