Cách trả lời câu hỏi ''Bao giờ cưới'', ''Còn độc thân không''

Các câu hỏi tập trung vào chuyện cá nhân dù đến từ sự quan tâm hay tọc mạch đều có thể khiến người được hỏi rơi vào khó xử, bế tắc.  

Tết Nguyên đán là khoảng thời gian sum họp đầm ấm của gia đình. Nhưng đó cũng là thời điểm kéo đến của những câu hỏi thiếu tinh tế khiến cuộc trò chuyện trên bàn ăn trở nên khó xử, theo VICE.

Các cuộc "thẩm vấn" xoáy sâu vào cuộc sống cá nhân đến từ những người có hoặc không có thiện chí có thể khiến người được hỏi rơi vào bế tắc.

Tuy nhiên, trước loạt câu hỏi như vậy, bạn không cần phải căng thẳng hay bối rối. Dưới đây là một số cách trả lời giúp bản thân thoải mái mà vẫn giữ được sự tôn trọng nhất định dành cho đối phương.

1 Cach Tra Loi Cau Hoi Bao Gio Cuoi Con Doc Than Khong

Tình yêu, hôn nhân, sự nghiệp, con cái là những chủ đề thường xuyên được hỏi trong dịp Tết. Ảnh: Shutterstock.

Câu hỏi về chuyện yêu đương, cưới xin

"Đang độc thân hay không?", "Tại sao còn độc thân?" và "Bao giờ cưới?" là những câu hỏi không dễ để trả lời nếu bạn là người theo chủ nghĩa độc thân, độc thân nhiều năm hay đang ở trong một mối quan hệ mà chưa nghĩ đến chuyện cưới xin.

Với những câu hỏi như vậy trong mâm cơm ngày Tết, bạn nên tránh đưa ra những tuyên bố lớn và quá nghiêm túc như "Tôi không tin vào tình yêu/hôn nhân". Vì nếu như vậy, nhiều khả năng bạn sẽ chỉ nhận về những cái nhìn kinh hoàng và sự cằn nhằn về các giá trị gia đình.

Thay vào đó, hãy nói đùa: "Sao vậy ạ? Cô/chú có ai muốn giới thiệu cho cháu ạ?" hoặc chỉ vào món ăn yêu thích của bạn trên bàn và nói: "Thực ra thì cô ơi, món ăn này ngon đến nỗi cháu nghĩ mình sẽ sống cả đời với nó".

"Khi nào mới sinh con?"

Ngay cả khi đã kết hôn hay đang trong một mối quan hệ hạnh phúc, bạn cũng không thể thoát khỏi những câu hỏi khó. Nhiều người dường như rất tò mò về kế hoạch sinh con đẻ cái của người khác.

"Chúng tôi vẫn chưa quyết định. Trẻ em rất dễ thương nhưng nuôi con trong thời buổi này không phải chuyện dễ" là câu trả lời bạn có thể thử trong trường hợp chưa tính đến chuyện sinh nở.

Còn với những người đã có con nhưng vẫn bị hối thúc sinh thêm, hãy thử quay sang nhìn đứa trẻ của bạn và nói: "Này nhóc, con nghĩ thế nào? Con có muốn có một em bé khác trong nhà không?".

Nếu con bạn còn quá nhỏ để nói chuyện, điều này thậm chí còn tốt hơn. Những âm thanh vô nghĩa từ em bé sẽ khiến mọi người không còn muốn vặn vẹo hỏi thêm.

Câu hỏi về tiền bạc, công việc

Với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, rất nhiều người gặp khó khăn trong công việc hoặc tìm hướng đi mới giữa đại dịch.

Tuy nhiên, với quan niệm cho rằng mất việc đầu năm là điềm xấu cho triển vọng và may mắn của cả năm, người thân có thể sẽ nhanh chóng nhắc nhở bạn về điều đó trong dịp Tết Nguyên đán.

Cách đối phó với chủ đề nhạy cảm này là hãy né tránh bằng một thứ quan trọng hơn cả công việc, chính là gia đình. "Tôi có một công việc mới là chăm sóc cha mẹ để cảm ơn họ vì đã vất vả nuôi nấng tôi trong nhiều năm" là câu trả lời bạn nên thử.

Mọi người có thể đánh giá cao sự hiếu thảo của bạn và nhận ra tiền bạc không phải vấn đề để hỏi, đặc biệt sau một năm khó khăn vừa qua.

Câu hỏi về ngoại hình

"Bạn đã tăng cân?", "Sao lại gầy như vậy?" hay bất kỳ câu hỏi nào khác liên quan đến ngoại hình chắc chắn là một chủ đề thiếu tế nhị, dù cho người hỏi có hay không sự quan tâm trong đó.

Với những người lớn tuổi trong gia đình, bạn có thể chọn cách trả lời đánh lạc hướng như: "Gia đình cháu đang bắt đầu một truyền thống mới, nơi vòng eo càng lớn trong Tết Nguyên đán, gia đình sẽ càng thịnh vượng!".

Cách trả lời này vừa thể hiện bạn tự tin với ngoại hình hiện tại, nhưng vẫn tôn trọng người hỏi.

Còn với những người hỏi chỉ với mục đích tọc mạch, chê bai, bạn có thể đáp trả theo kiểu giáo dục: "Có lẽ đại dịch đã làm tôi mất động lực lựa chọn thực phẩm và thể dục lành mạnh. Nhưng nhân tiện, bạn đã nghe nói về body dysmorphic disorder (BDD, rối loạn mặc cảm ngoại hình) và body shaming (chế nhạo ngoại hình) đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trẻ chưa?".

Lê Vy

Nguồn: Zingnews.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan