Nhật ‘cách ly tại chỗ’ khách tới sân bay trong các hộp carton

Một số hành khách hạ cánh xuống sân bay Narita không được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng và phải ở lại cho đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19. Những hành khách từ nước ngoài (bao gồm cả công dân Nhật) nhập cảnh vào Nhật Bản sẽ phải trải qua […]

Một số hành khách hạ cánh xuống sân bay Narita không được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng và phải ở lại cho đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19.

Những hình ảnh tại sân bay Narita (Chiba), nơi một số hành khách “mắc kẹt” lại và phải ngủ trong những “khách sạn bìa carton” trong lúc chờ kết quả xét nghiệm đang gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội vài ngày qua.

180 1 Nhat Cach Ly Tai Cho Khach Toi San Bay Trong Cac Hop Carton

Những “khách sạn bìa carton” tại sảnh nhận hành lý ở sân bay Narita. Ảnh: @kakuzi01282000/Instagram.

180 2 Nhat Cach Ly Tai Cho Khach Toi San Bay Trong Cac Hop Carton

“Tôi sẽ ngủ ở đây hôm nay. Sân bay Narita. Tôi không thể rời đi cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm”, một hành khách nhập cảnh vào Nhật Bản viết hôm 9/4 trên Twitter.

Những khu vực nghỉ ngơi biệt lập cho hành khách được phân chia bằng những tấm bìa tại sảnh nhận hành lý. Theo lời kể một người đã nhập cảnh từ sân bay Narita, nhiều người không có mặt nạ che mắt cảm thấy khó ngủ vì đèn sáng 24/24, nhưng tình hình không đến nỗi tệ vì họ vẫn được cung cấp đồ ăn nhẹ và nước uống.

Bên trong các tấm bìa là nệm Futon, có giá khoảng 15.000 yên mỗi chiếc. Một đánh giá trực tuyến của một hành khách đến sân bay Narita từ Việt Nam cho thấy chiếc giường “khá tốt”. Thiết kế “nhà carton” này từng được Nhật Bản sử dụng trong các thảm họa như động đất khi mọi người cần tạm thời lánh nạn ở nơi khác.

Nhưng nhiều người phản đối hình thức kiểm dịch tại chỗ ở sân bay Narita vì những chiếc giường được xếp gần nhau rất dễ lây lan virus. Có ý kiến cho rằng đây là một biện pháp vô nhân đạo, chỉ trích giới chức Nhật Bản vì không bỏ tiền thuê khách sạn hoặc đưa hành khách đến khu vực cách ly tập trung. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nhân viên sân bay rất dễ nhiễm virus vì quy định kỳ quặc này. “Tôi muốn bạn nhớ rằng nhân viên của sân bay đang trong tình trạng rủi ro cao. Họ có khả năng tiếp xúc với những người nhiễm bệnh và họ làm việc chăm chỉ mà không được nghỉ ngơi”, một tài khoản trên Twitter viết.

Tuy nhiên theo Forbes, hình thức “cách ly tại chỗ” này chỉ được áp dụng với những hành khách không có người thân đến đón bằng ôtô riêng. Họ không được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả taxi. Những hành khách này sẽ ở lại một đến hai ngày cho đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách được phép lên xe buýt đưa đón đến một khách sạn gần đó hoặc chờ người đến đón. Nhật Bản kêu gọi hành khách nhập cảnh từ nước ngoài tự cách ly tại nhà hoặc tại địa điểm kiểm dịch chỉ định và không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong 14 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, hành khách sẽ được nhập viện điều trị.

Sân bay Narita là một trong những cửa ngõ quốc tế chính của Nhật Bản. Quốc gia này đã chọn Narita và Osaka Kansai là hai sân bay duy nhất xử lý các chuyến bay đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, một quy định được áp dụng từ những ngày đầu bùng phát Covid-19. Kể từ tháng 3, số chuyến bay quốc tế ở Narita đã giảm 85%.

Vào 12/4, lần đầu tiên kể từ khi khánh thành năm 1978, sân bay này đã đóng một đường băng trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19. Nhật Bản hiện ghi nhận 6.923 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 131 ca qua đời.

Hoàng Hà (theo Forbes, Simpleflying)

Nguồn: https://ione.net/tin-tuc/nhip-song/nhat-cach-ly-tai-cho-khach-toi-san-bay-trong-cac-hop-carton-4083571.html


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan