Nếu chọn trường miễn hoặc có phí nộp đơn thấp, ở ngoại ô, bạn mất khoảng 9.000 USD một năm, thấp hơn một nửa mức trung bình tại Mỹ.
Khai thác tối đa nguồn lực để tồn tại ở Mỹ là mong ước của mọi du học sinh, nhất là khi Covid-19 khiến cơ hội việc làm ít hơn trước. Trang US News and World Report giới thiệu một số cách để sinh viên quốc tế tiết kiệm khi du học Mỹ.
Nộp hồ sơ vào trường miễn hoặc có phí nộp đơn thấp
Một số trường, chẳng hạn Đại học Tulane ở Louisiana, Đại học Loyala ở Chicago, không tính phí đăng ký và nhiều trường khác có mức phí khá dễ chịu. Bạn nên cân nhắc lựa chọn các trường này nếu không có học bổng, bởi nhiều trường vẫn có thứ hạng tương đối cao và cung cấp nền giáo dục chất lượng.
Với du học sinh, chi phí cơ bản của năm học 2020-2021 là 18.490 USD (khoảng 430 triệu đồng), bao gồm học phí, chi phí ăn ở mức rẻ nhất, bảo hiểm y tế và 500 USD mỗi kỳ cho tiền sách và tài liệu. Tại Đại học bang Menidji, tổng chi phí cho năm học 2020-2021 là 9.245 USD, rẻ hơn một nửa với mức trung bình.
Các chuyên gia cho biết, sinh viên quốc tế có thể giảm chi phí bằng cách theo học một trường cao đẳng cộng động trong hai năm, sau đó chuyển tiếp học đại học bốn năm. Ví dụ, nếu học Cao đẳng cộng đồng Mesa ở Arizone, bạn mất 8.010 USD một năm, còn ở Cao đẳng thành phố Pasadena, bang California là 8.538 USD.
Ảnh: Apply Zones
Làm việc ở trường
Sau khi nhập học tại một trường của Mỹ, du học sinh có thể tiếp tục tiết kiệm tiền bằng cách lập kế hoạch làm thêm ngay trong khuôn viên trường, chẳng hạn ở hiệu sách, căng tin, thư viện, phòng máy tính hoặc gia sư. Ngoài tăng thu nhập, bạn có thể kết bạn thông qua công việc này, có thêm nhiều kỷ niệm trong thời gian du học.
Tuy nhiên, khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại Mỹ, bạn cần chuẩn bị tinh thần học online và việc làm thêm sẽ không khả thi. Trường hợp này, bạn có thể kết nối với các giáo sư hoặc cựu sinh viên để nhờ giới thiệu công việc khác.
Đặng Minh Anh, đến từ Việt Nam, đang học chuyên ngành Hóa - Sinh tại Đại học St Thomas ở Minnesota, cho biết từ khi sang Mỹ vào năm 2019, cô có nhiều công việc trong khuôn viên trường, đáp ứng thời gian 20 giờ/tuần mà du học sinh được cho phép làm thêm.
"Tôi dành 10 giờ làm việc với giáo sư của mình trong một dự án nghiên cứu liên quan chặt chẽ đến chuyên ngành tôi đang học. Thời gian còn lại, tôi làm trợ giảng tại phòng thí nghiệm hóa học và nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ngay trong trường", Minh Anh nói. Thu nhập từ những công việc này giúp cô đủ trang trải chi phí hàng tháng, bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và thức ăn.
Cắt giảm chi phí không cần thiết
Các chuyên gia khuyến nghị du học sinh nên lập kế hoạch chi tiêu cho mọi thứ, từ sách vở đến tiền du lịch, trước khi đến Mỹ để tránh phát sinh chi phí. Nguồn lực các bạn có nhiều nhất chính là tư cách sinh viên. Do đó, trong bất kỳ việc gì, bạn có thể tìm hiểu xem có giảm giá hoặc ưu đãi nào khác dành cho sinh viên hay không. Với tài liệu và sách tham khảo, việc kết nối với cựu học sinh và xin tài liệu cũ là lựa chọn hợp lý.
Nguyễn Tiến Dũng, du học sinh người Việt Nam, đang học ngành Quản lý tại Đại học Illinois tại Chicago, chia sẻ mua sắm trực tuyến là thứ khiến bạn dễ mất tiền vào những đồ dùng không thật sự thiết yếu nhất. "Tôi chỉ xem những gì mình thực sự cần và hạn chế mua những món đồ như quần áo, đồ ăn nhẹ hoặc các mặt hàng được gợi ý ngẫu nhiên", Dũng nói.
Sống ngoài khuôn viên trường
Nghe có vẻ vô lý nhưng không phải lúc nào việc sống trong ký túc xá cũng có chi phí thấp hơn bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể được một gia đình người bản địa cho phép ở chung, thuê nhà giá rẻ dành cho sinh viên nên chi phí ăn, ở sẽ được tiết kiệm đáng kể.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, chi phí đi lại từ nơi ở đến trường sẽ cao hơn. Bạn cần so sánh các lựa chọn để tìm ra phương án tiết kiệm nhất. Một lời khuyên của chuyên gia là bạn có thể đến văn phòng dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế của các trường, hỏi về các căn hộ cho thuê và phương tiện hỗ trợ đi lại nếu có.
Thanh Hằng (Theo US News)
Nguồn: VNEXPRESS.NET