Những nguy cơ từ thói quen tích trữ thức ăn trong tủ lạnh ngày Tết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho hay, người dân không nên coi tủ lạnh là ‘bảo bối’ và nên thay đổi thói quen tích trữ thực phẩm trong ngày Tết tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi và sum họp gia đình của người Việt. Vì vậy mà những bữa ăn ngày Tết luôn cầu kỳ hơn so với ngày thường. Với các bà nội trợ, việc trữ thức ăn cho ngày Tết đã không còn là điều xa lạ và tủ lạnh trở thành chiếc tủ thần kỳ để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, việc tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu không tốt cho sức khỏe.

180 Content Nhung Nguy Co Tu Thoi Quen Tich Tru Thuc An Trong Tu Lanh Ngay Tet Tapchihoaky Info 1
Người dân không nên giữ thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh (Ảnh minh họa).

TS.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế cho rằng, ở nước ta hiện vẫn phổ biến khái niệm “ăn Tết”, do đó lượng thực phẩm sử dụng trong thời gian này rất lớn, có sự gia tăng đột biến. Dịp Tết nguyên đán này, dự báo các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát…

“Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế ở các tỉnh miền Bắc, dịp Tết Nguyên đán hay có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Còn ở miền Nam, thời tiết nóng, nhiệt độ cao, cũng khiến các sản phẩm có nhiều đạm như thịt, cá, cua, tôm… rất dễ ôi thiu. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tích lũy nhiều thực phẩm trong mấy ngày Tết bởi hiện nay, các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả… luôn được các siêu thị, chợ lớn nhỏ bán sẵn từ ngày 1, mùng 2 nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng”, ông Phong khuyến cáo.

Theo TS. Phong, các loại thịt tươi để trong tủ lạnh tốt nhất nên dùng trong 3-5 ngày, cá 3 ngày. Với thức ăn chín, chỉ nên lưu cho bữa sau. Để lâu, thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố, ngay cả khi đun nấu, chỉ diệt được vi khuẩn còn độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên. Việc tích trữ số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh không chỉ khiến cho chất lượng bảo quản thực phẩm kém, mà tiềm ẩn nguy cơ khiến chúng trở nên độc hại cho người sử dụng.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho hay, người dân không nên coi chiếc tủ lạnh là một “bảo bối” tích trữ thực phẩm vì tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

“Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Làm cho quá trình sinh sôi phát triển của chúng bị chậm lại chứ không thể giết chết được vi khuẩn. Vì vậy, không nên tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh trong ngày Tết, vì thực phẩm sẽ bị để lâu, dễ hư hỏng, mất chất dinh dưỡng, mất đi độ tươi ngon”.

Cũng theo BS.Diệp, việc không biết cách sắp xếp, bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh còn có thể gây nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm sống và chín. Tốt nhất nên chuẩn bị đủ dùng tối đa 2-3 ngày.

Bất cứ một loại thực phẩm nào cũng có hạn sử dụng và điều kiện lưu trữ riêng của nó. Như đối với rau xanh chỉ nên để 3-4 ngày vì để càng lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng của chúng. Việc hạn chế tích trữ đồ ăn quá nhiều trong tủ lạnh, vừa giảm thiểu sự sụt giảm chất lượng thực phẩm, vừa hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày Tết.

Ngân Giang

Nguồn: Người Đưa Tin


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan