Nguyễn Tuấn, người không nhà, nay được ‘yên nghỉ’ tại chùa Liên Hoa

Lễ cầu siêu cho ông Nguyễn Tuấn, một người vô gia cư, không người thân thuộc, diễn ra từ 2 giờ đến 4 giờ chiều Thứ Bảy, 15 Tháng Tư, dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới kiêm viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove, có sự tham dự của nhiều đồng hương tham dự, dù họ và chùa chưa một lần quen biết với người quá cố.

177 Content Cau Sieu 1
Hòa Thượng Thích Chơn Thành (giữa) và Thầy Phong Nguyên (phải) cầu siêu trước di ảnh ông Nguyễn Tuấn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Dưới bàn thờ Phật trong chánh điện, tấm di ảnh mờ nhạt của ông Nguyễn Tuấn, chụp qua máy ảnh an ninh của tiệm Jolly Donuts, Canoga Park, nơi ông qua đời năm 2014, được dựng trên bàn, bên cạnh một tờ báo Người Việt ghi lại hành trình đem tro cốt của ông từ Los Angeles về chùa Liên Hoa.

Cùng chủ lễ cầu siêu còn có Hòa Thượng Thích Tâm Ngoạn thuộc Tịnh Xá Giác Lý, Westminster, và Thầy Phong Nguyên của chùa Liên Hoa.

“Hôm nay là duyên lành để chúng ta cung thỉnh Đức Phật A Di Đà đến đưa hương linh anh Nguyễn Tuấn về thế giới cực lạc, không còn khổ đau. Tôi quen với anh Nguyễn Tuấn từ thời vô thủy. Theo đạo Phật, có thể nói rằng ‘xưa tôi với anh ở chung một hộ.’ Sau năm 1975, tôi cũng là người ‘homeless’ ở một thành phố gần Tokyo, Nhật. Sống cuộc đời không nhà vui lắm!”, Hòa Thượng Thích Chơn Thành nói trong niềm hoan lạc.

“Tôi thông cảm với tâm trạng người vô gia cư và tôi sống với tâm trạng của anh ấy,” giọng vị hòa thượng bỗng nghẹn ngào, xúc động, nước mắt ứa ra.

Sau giây phút im lặng vì xúc động, hòa thượng giải thích: “Khi xúc động là tôi không cầm được nước mắt. Thời gian Tháng Tư năm ấy, đàn chim Việt túa ra biển, người chết rất nhiều. Tôi suốt ngày theo dõi tin tức người Việt bỏ nước ra đi trên đài NHK của Nhật. Anh Tuấn khi ấy 13 tuổi, cùng gia đình vượt biển.”

“Cha mẹ anh không được may mắn sống sót như anh. Anh có phước lớn và được vớt sang sống tại Mỹ. Anh có thể xin trợ cấp của chính phủ, nhưng anh chấp nhận cuộc đời ‘homeless,’” hòa thượng nói, rồi bật cười to, hỏi: “Quý vị có ai là ‘homeless’ chưa?”

Hòa thượng viện chủ nói thêm: “Quý vị được phước đó. Đức Phật nói muốn biết kiếp trước mình ra sao, hãy nhìn lại những gì mình làm trong quá khứ. Muốn biết tương lai, hãy nhìn những gì đang diễn ra trong đời. Hãy luôn giúp người, làm việc tốt.”

177 Content Cau Sieu 2
Từ trái, Hòa Thượng Thích Tâm Ngoạn, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, và Thầy Phong Nguyên, tại lễ cầu siêu cho ông Nguyễn Tuấn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Nhất tâm là quan trọng nhất. Chúng ta từng đi với nhau trên cuộc đời này. Tất cả nhân loại thừa hưởng di sản quý báu nhất là có được các giác quan tốt, để nhìn xuyên suốt, hay ‘diệu quang xác tín’ vô ngã tướng, vô chúng sanh tướng, v.v…; ‘bình đẳng tấn trí’ để chuẩn bị thành Phật, và ‘đại viên cảnh trí’ để giũ bụi đến gần đức Phật,” hòa thượng nhắn nhủ các Phật tử tham dự.

Sau đó, hòa thượng cùng ban hộ niệm và mọi người đọc kinh “Nghi Thức Tịnh Độ,” bắt đầu buổi lễ cầu siêu.

Hiện diện tại buổi lễ là các Phật tử và đồng hương từ mọi nơi nghe tin, không ai bảo ai, cùng về tham dự.

Trước khi buổi lễ bắt đầu, Hòa Thượng Thích Tâm Ngoạn chia sẻ: “Rõ ràng anh Nguyễn Tuấn là một người tị nạn cộng sản. Tánh anh hiền, không hại ai, sống khôn thác thiêng. Người có tin tưởng về tâm linh sẽ có thể đầu thai kiếp khác. Tâm hiền thì sẽ được tiến hóa.”

“Anh là một Phật tử, không phải là người bụi đời, giang hồ, không gian hùng, gian xảo. ‘Ai ơi ăn ở hiền lành; kiếp này chưa được, để dành kiếp sau.’ Cái chết, với anh Tuấn, không phải là hết!”, hòa thượng nói tiếp.

Một người khác, ông Trần Dật, 82 tuổi, từ Los Angeles xuống, tâm sự: “Tôi đọc bài của cô Hà Giang và ông Ngô Nhân Dụng trên báo Người Việt. Tuy chưa gặp anh Tuấn, nhưng cùng là Phật tử, lại thấy anh có cuộc sống đàng hoàng, tự trọng nên tôi đến để cầu nguyện cho anh sớm siêu thoát.”

Cùng suy nghĩ với ông Dật, Phật tử Minh Diệu, 75 tuổi, nói: “Cứ nghe cầu siêu cho người quá cố được siêu thoát là tôi tới.”

Ông Trần Tuệ, 82 tuổi, cư dân Van Nuys, góp ý: “Tôi nghe nói khi còn ở Việt Nam, anh Tuấn thuộc gia đình khá giả. Anh ấy học trường Tây. Tôi thấy anh không có thân nhân nên đến để tiễn anh.”

Ông Nguyễn Văn Phú, 81 tuổi, cư dân Anaheim, cho biết: “Tôi nghe radio thấy có lễ cầu siêu và cũng được biết thầy Phong Nguyên đem được tro cốt của anh ấy về chùa.”

Họa sĩ Hoàng Vinh, một Phật tử trong ban hộ niệm, nói: “Tôi nghe lời kêu gọi của Thầy Chơn Thành, và trước đây có gặp thầy nhân kỷ niệm 40 năm lễ giỗ Tướng Nguyễn Khoa Nam, nên tôi đến.”

Bà Trần Kim, 67 tuổi, cư dân Garden Grove, chia sẻ: “Tôi không được biết anh Tuấn, nhưng ngày nào tôi cũng đi chùa nên ghé tham dự lễ cầu siêu cho anh ấy.”

177 Content Cau Sieu 3
Quang cảnh lễ cầu siêu cho ông Nguyễn Tuấn tại chùa Liên Hoa. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bà Hoàng Thu Nguyệt, 84 tuổi, cư dân Fountain Valley, tham dự, cho biết: “Tội nghiệp anh ấy không có gia đình. Tôi đến đây lần đầu, cầu mong hương linh anh sớm siêu thoát.”

Cô Phương Nhiêu, cư dân Anaheim, tâm sự: “Tôi thấy thương cho một kiếp người và là một duyên lành được thầy rước về chùa.”

Bà Yến Trần ở Westminster, ngồi hàng ghế sau cùng chồng, chia sẻ: “Tôi mong ông ấy siêu thoát. Kiếp sau ông ấy độ cho tôi.”

Bà Tâm Tường Mẫn, 77 tuổi, cư dân Fountain Valley, cho biết: “Tôi và chị bạn, trước cùng học trường Trưng Vương, hôm nay chúng tôi đến dự, vì nghe thầy nói. Chúng tôi học Phật pháp ở đây được tám năm rồi. Hy vọng hương linh anh ấy được an nghỉ.”

Ông Huy Nguyễn, 69 tuổi, sống vô gia cư trên góc đường Moran và Bolsa, cho biết: “Tôi nghĩ anh này có phước. Hy vọng những người hộ niệm sẽ tiếp tục ăn chay.”

Ông Nguyễn Tuấn qua đời lúc 9 giờ 43 phút, ngày 4 Tháng Mười, 2014, trong khi ông đang ngồi uống cà phê tại tiệm Jolly Donuts, theo phúc trình của cảnh sát. Ông tử nạn vì bị một chiếc SUV đâm sầm vào tiệm, ủi sập cửa kính, rồi đâm thẳng vào sâu bên trong, hất tung người ông qua bức tường phía Đông bị xe ủi sập.

Vì không có thân nhân thừa nhận, tro cốt được giữ ở Los Angeles từ ngày ấy cho đến khi được Thầy Phong Nguyên hoàn tất thủ tục xin đem về chùa Liên Hoa hôm 27 Tháng Ba.

Ông Tuấn được một số người biết đến, kể rằng ông mê vé số Lottery. Có lần may mắn trúng được $800, ông không giữ riêng cho mình, mà trích tiền mua nước hoa cho nhân viên của tiệm Violet Nails, gần chỗ ông thường lui tới, hay mua hoa tươi cho những người phụ nữ khác trong khu thương mại đó.

Ngày qua đời, ông Nguyễn Tuấn mặc một áo khoác màu beige quá khổ có nhiều túi, một chiếc áo sơ mi đen, quần nỉ màu xanh xám, khoác bên ngoài một quần jeans màu đen, và đi đôi giày chơi quần vợt cổ cao của phái nữ. Tất cả đều bẩn thỉu và bạc phếch, hành trang của một người vô gia cư lâu năm chính hiệu.

Nhưng những điều người đời nhớ về Nguyễn Tuấn không phải là thân phận nghèo hèn của ông, mà tư cách của một người đàng hoàng, tự trọng, sòng phẳng và thậm chí rộng rãi khi có điều kiện.


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan