Ngóng ngày bay quốc tế thường lệ trở lại

Các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao sẽ được khai thác trở lại, là cơ hội rất lớn cho người Việt Nam ở nước ngoài được về quê hương, khôi phục hàng không, du lịch…

1 Ngong Ngay Bay Quoc Te Thuong Le Tro Lai

Theo Thông báo 334/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2022.

Ngày về gần lại…

Theo thông báo này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kết luận: Đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ). Các chuyến bay được khai thác trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Đây không chỉ là tin vui đối với ngành hàng không, du lịch mà còn với rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài chưa thể về thăm người thân, gia đình trong suốt 2 năm qua.

Chị Trần Đặng Như Quỳnh, ở tiểu bang Maryland – Mỹ, cho hay nếu mở lại đường bay quốc tế thường lệ, chị sẽ là người “săn” vé đầu tiên. Mấy ngày qua chị có nghe thông tin về việc này nhưng chưa chắc chắn. Đã 2 năm, chị và các con chưa được về Việt Nam thăm gia đình. “Bên này bà con ai cũng mong ngóng đường bay quốc tế thường lệ được mở lại để về thăm nhà. Mọi người vẫn chờ đường bay thương mại được nối lại, giá vé máy bay giảm” – chị Quỳnh nói.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, người cũng bị kẹt lại Canada gần 2 năm qua, cho biết đang rất quan tâm với việc mở đường bay quốc tế thường lệ trở lại. Đây cũng là tâm trạng chung của rất nhiều Việt kiều, người Việt đang sống, làm việc ở Mỹ, Canada… thời gian qua. Trước dịch, vé máy bay một chiều giữa Việt Nam và Canada chỉ khoảng 650 USD/chặng (tương đương 15 triệu đồng). Nhưng hiện tại, muốn về Việt Nam, người dân phải bỏ ra gần 5.000 USD gồm vé máy bay, chi phí cách ly tại khách sạn – gấp nhiều lần so với trước dịch.

Động lực cho hàng không, du lịch hồi phục

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động từ các công ty du lịch chuyên làm dịch vụ visa cho khách, nhu cầu làm visa đi nước ngoài hoặc đặt vé máy bay, tour trọn gói để hồi hương của du khách rất lớn.

Bà Phạm Thị Hoài Thu, Giám đốc Công ty Du lịch Intertour Việt Nam, cho biết hiện khách hỏi chi phí vé máy bay, tour hồi hương tăng cao nhưng phần lớn đều ngại phải cách ly tập trung. Như giá vé bay thẳng từ Mỹ về TP HCM hiện tại khoảng 90-100 triệu đồng gồm cách ly tập trung 7 ngày tại khách sạn. Nếu quá cảnh ở Hàn Quốc và cách ly tại Nha Trang (Khánh Hòa) thì rẻ hơn khoảng 70 triệu đồng…

Chi phí là một chuyện, vấn đề là khách ngại cách ly tập trung, nếu có chính sách cho họ theo dõi tại nhà thì sẽ ổn hơn. Vì vậy, chỉ trừ những khách có công việc thật sự quan trọng tại Việt Nam hoặc không còn trụ lại được nữa ở nước ngoài thì họ mới buộc phải đặt vé về. “Việc mở cửa tuy là cần thiết để khôi phục kinh tế, giúp đi lại, giao thương thuận lợi nhưng cần có biện pháp cụ thể và tối ưu khi đón khách nước ngoài, đặc biệt là có quy trình cụ thể để các doanh nghiệp (DN) nắm bắt và xử lý kịp thời trong trường hợp phát sinh sự cố, như có F0 chẳng hạn” – bà Thu nêu.

Tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” mới đây, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng khi tỉ lệ tiêm vắc-xin ở địa phương đã đủ cao, như TP HCM, Hà Nội tỉ lệ tiêm vắc-xin còn cao hơn Mỹ, cao hơn châu Âu, gần bằng Singapore… thì còn chờ gì nữa mà chưa mở cửa ngành du lịch.

Đến nay, vắc-xin là công cụ mạnh nhất để thích nghi, để làm ăn, để phát triển theo nghị quyết của Chính phủ.

Ông Lương Hoài Nam dẫn chứng, hiện giữa Hà Nội và TP HCM có hàng chục chuyến bay mỗi ngày cho hành khách nội địa đã tiêm vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính.

Hành khách không cần xin phép di chuyển, đến nơi không phải cách ly. Nhưng đối với người Việt Nam và người nước ngoài đã tiêm vắc-xin, có kết quả xét nghiệm âm tính, muốn vào Việt Nam phải xin phê duyệt và cách ly tập trung. Điều này là một rào cản và có phần vô lý.

“Cho phép các hãng hàng không Việt Nam mở lại những đường bay thường lệ quốc tế thay thế các chuyến bay hồi hương (thủ tục quá khó, chuyến bay quá ít, giá vé quá đắt) và không bắt buộc cách ly tập trung hành khách người Việt Nam nếu đã tiêm đủ liều vắc-xin (hoặc đã bị mắc Covid-19 và hồi phục), có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi bay.

Trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng người lớn không cần có chứng chỉ vắc-xin” – ông Lương Hoài Nam đề xuất giải pháp mở lại đường bay quốc tế thường lệ và không cần cách ly tập trung nếu khách đáp ứng quy định.

Nguồn: nld.com.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan