Việt Nam cần làm gì để thu hút các doanh nghiệp quốc tế lớn?

Hãng tin Reuters tuần qua có bài viết tựa “SpaceX, Netflix, Boeing to join "biggest-ever" US business mission to Vietnam” (tạm dịch: SpaceX, Netflix, Boeing sẽ tham gia đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn chưa từng có đến Việt Nam).

Bài viết có đưa ra bình luận, với dân số 100 triệu người, Việt Nam cũng là thị trường tiêu dùng phát triển nhanh chóng, khi tầng lớp trung lưu ngày càng đông.

1 Viet Nam Can Lam Gi De Thu Hut Cac Doanh Nghiep Quoc Te Lon

Một góc buổi triển lãm sản phẩm điện tử ở Las Vegas, Nevada, vào ngày 6 tháng 1 năm 2023.

Điều chỉnh để “chớp lấy” cơ hội

Sự kiện mà có thể gọi là “cơ hội” sắp diễn ra theo Reuters loan khiến nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi: “Việt Nam cần làm gì để “giữ chân” những tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi một số vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua. Ông nói với RFA:

“Thứ nhất, tất cả các thủ tục hành chính phải nhanh gọn. Việt Nam mình vẫn luôn luôn có một cái bệnh mà mình kêu là “hành là chính”. Đây là bệnh kinh niên, tức là làm gì cũng nhiêu khê. Đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số như thế này mà mình vẫn dùng tay. Khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thì phải chạy hết từ bộ này qua cơ quan khác để xin giấy phép. Nó qua rất nhiều những thủ tục phiền phức. Thành ra vấn đề đầu tiên là phải nhanh gọn những thủ tục qua lại.

Điều thứ hai luôn luôn quan trọng là các ông hải quan cũng như các cơ quan hữu trách đừng đụng vào vấn đề tham nhũng, vòi tiền. Nó làm cho những người nước ngoài, những nhà đầu tư nước ngoài rất chán nản khi vào Việt Nam.

Cái thứ ba, nếu là một cơ sở sản xuất kinh doanh thì họ cần có đất để xây dựng cơ sở sản xuất. Chính quyền địa phương cần nhanh chóng cấp giấy phép để họ xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh.

Điều thứ tư là lao động. Một số tay nghề phải có tiếng Anh. Cái đó ở Việt Nam rất thiếu.”

Trong thực tế, từ sau khi dịch COVID-19 gần như được kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đã “góp ý” với chính phủ Hà Nội các giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như những nhận định về phát triển kinh tế sau đại dịch.

Cụ thể, trong tháng 5 năm 2020, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định, sẽ có một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư và quan trọng nhất là Việt Nam cần phải định hướng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI để có thể chọn lọc được dòng vốn chất lượng. Báo nhà nước dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung rằng: “Phải hành động trong lúc này, đi đón đầu, đi gặp gỡ để kéo được những dòng vốn mình cần về. Không thể ngồi chờ vì nếu ngồi chờ thì các nước khác sẽ hớt hết những cái ngon nhất. Những cái còn lại mới chạy đến Việt Nam.”

Có những chính sách “hợp lý”

Khoảng giữa năm 2020, trang tin Policy Times cho biết, 27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia. Thông tin này khiến nhiều người Việt Nam quan tâm, bởi ngay khi có thông tin các công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, sẽ rời Trung Quốc trong tương lai, Việt Nam cũng hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, tiếp theo là đại dịch COVID-19, không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng có kế hoạch chuyển các nhà máy ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Do đó, việc làm sao để không lỡ mất cơ hội là điều không chỉ chính phủ, mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng quan tâm.

Ông Trần Mã Băng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói với RFA suy nghĩ của ông sáng 22 tháng 3 năm 2023:

“Theo tôi, đối với những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, cần một số yếu tố để thu hút họ. Thứ nhất là lao động có đáp ứng được hay không. Thứ hai là luật đầu tư có cho phép họ chuyển lợi nhuận về nước dễ dàng không. Không có chuyện mang tiền vô Việt Nam đầu tư mà không chuyển về nước được. Thứ ba, điều mà rất nhiều tập đoàn nước ngoài quan tâm, đó là chính sách thuế. Họ có được hưởng mức thuế ưu đãi hay không, vì thuế là một yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm.

Việt Nam đang sửa đổi luật đất đai. Hy vọng luật được sửa đổi sẽ phù hợp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thật ra ‘mấy ổng’ cũng thấy chuyện đó rồi chứ không phải không thấy đâu. Việt Nam đã thay đổi nhiều so với trước và vẫn đang tiếp tục thay đổi. Phải cải tiến. Tôithấy kinh tế họ làm tương đổi ổn. Chỉ có vấn đề chính trị, cơ chế còn sự khác biệt.”

Ông Ba, chủ một nhà hàng Việt Nam ở Houston, Texas và hai nhà hàng ở TP.HCM nói với RFA ý kiến của mình qua ứng dụng Facebook Messenger:

“Không khó nhưng dĩ nhiên không dễ. Cứ giảm thuế đi. Việt Nam hãy ‘quét dọn nhà sạch sẽ, châm trà tiếp khách’. Nếu Việt Nam không khôn ngoan để mở rộng cửa và tạo điều kiện triệt để để cạnh tranh thì mất cơ hội vàng.”

2 Viet Nam Can Lam Gi De Thu Hut Cac Doanh Nghiep Quoc Te LonMột nhân viên đứng cạnh các tấm pin năng lượng mặt trời trưng bày tại gian hàng của VSUN SOLAR, Công ty Cổ phần Sunergy Việt Nam, trong hội chợ quốc tế "Intersolar Europe" dành cho ngành năng lượng mặt trời và các đối tác tại Munich, miền nam nước Đức, ngày 15/5/2019. AFP

Là một kinh tế gia, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định, việc ba công ty lớn là SpaceX, Netflix, và Boeing đến Việt Nam sẽ đem lại một cơ hội lớn cho đất nước. Nó giúp tăng tính kết nối, tích hợp Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế và toàn cầu hoá chung của thế giới, giúp các doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thêm những chọn lựa về công nghệ và dịch vụ mà nhờ đó họ có thể tối ưu và phát triển những dịch vụ hay nhu cầu của họ. Ngoài ra, khi các công ty Mỹ ngày càng đầu tư nhiều vào Việt Nam thì quyền lợi của Mỹ ở Việt Nam càng gia tăng. Khi đó, Mỹ có lý do để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực vì quyền lợi của họ. 

Tuy vậy, để thu hút các công ty lớn của Mỹ đầu tư ở Việt Nam thì Việt Nam cần có những cải cách, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ:

“Thứ nhất, nên miễn vi-sa cho người dân ở những nước có thu nhập trung bình cao hơn Việt Nam hoặc người dân có thẻ cư trú tạm thời ở những nước này, và kéo dài thời hạn đến 3 tháng, có thể gia hạn một lần ba tháng nữa.

Thứ hai, nên có những chính sách rõ ràng, minh bạch, dễ dàng trong cấp thẻ cư trú cho các chuyên gia đến Việt Nam làm cho các công ty nước ngoài hay mở các công ty khởi nghiệp riêng của mình.

Thứ ba, nên đơn giản hệ thống thuế, thậm chí có thể tiến tới một hệ thống thuế phẳng (flat tax) để tránh tham nhũng, để kích thích kinh tế, và cũng hấp dẫn các công ty đến Việt Nam đầu tư.

Thứ tư, nên chọn luôn các tiêu chuẩn công nghiệp của một nước, chẳng hạn của Mỹ làm bộ tiêu chuẩn của Việt Nam. Nó sẽ khiến các công ty nước ngoài có nhiều chọn lựa hơn khi chọn đối tác hay thầu phụ, và nó sẽ khiến hàng hoá Việt Nam có một uy tín trên thế giới.

Việc có những bộ tiêu chuẩn tương đương nước ngoài sẽ giúp các công ty nước ngoài dễ dàng hơn trong hoạt động ở Việt Nam. Cũng như nó dễ dàng hơn cho giới chức trong việc giám sát chất lượng các công trình xây dựng công khi phải mời giám sát từ nước ngoài và điều đó giúp giảm tham nhũng.”

Riêng về khoản thuế, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ giải thích thêm rằng, nên ghi rõ không đánh thuế đối với các khoản thu nhập có nguồn gốc bên ngoài mà chỉ đánh thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ trong nước, có thể tham khảo trường hợp của Đài Loan.

Những chuyên gia nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam họ vốn có các khoản đầu tư nào đó ở bên ngoài, không liên quan đến các hoạt động của họ ở Việt Nam, và các khoản thu nhập ở bên ngoài này không nên đánh thuế.

Bên cạnh đó, cần giảm thấp và tiến tới ngừng đánh thuế các khoản thu nhập từ đầu tư tài chính, điều này giúp tích luỹ tư bản trong xã hội và tư bản sẽ nằm trong tay những cá nhân sáng tạo nhất thay vì nó nằm trong ngân khoản quốc gia để rồi cuối cùng rơi vào tay tham nhũng.

Nguồn: RFA


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan