Đi mua USD thuê, mua 5.000 USD được trả công 1,5-2 triệu đồng/ngày

Các hội nhóm mua, bán ngoại tệ xuất hiện dịch vụ thuê mua, đổi ngoại tệ dưới hình thức du lịch, phí 1,2-2 triệu đồng/người khi mua/đổi 5.000 USD tại 5 chi nhánh ngân hàng.

Thuê mua, đổi USD được trả công 1,2-2 triệu đồng/ngày

Hữu Mạnh những ngày này tích cực đăng bài lên các hội nhóm trên facebook về mua bán ngoại tệ. Lúc thì Mạnh đăng bài dò hỏi ngân hàng nào đang có sẵn nguồn USD lớn để mua. Khi thì tìm người có hộ chiếu để nhờ mua hoặc đổi USD có trả phí. Tùy từng ngân hàng, khách sẽ có được ngoại tệ theo cách đổi hoặc mua.

Mức phí nhận được nếu cùng Hữu Mạnh đi mua hoặc đổi ngoại tệ là 1 triệu đồng/ngày, cho 4-5 chi nhánh ngân hàng. Mạnh yêu cầu mỗi người mua 3.000-5.000 USD. Yêu cầu với người mua hoặc đổi hộ USD là có hộ chiếu còn hạn sử dụng, cùng chứng minh thư hay căn cước công dân. Người mua hộ sẽ có xe đưa đón, được phụ cấp bữa trưa.

Mạnh cũng ưu tiên những người về nước sau thời gian xuất khẩu lao động bên Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã có sẵn visa còn hạn. Thủ tục để có thể đi theo Mạnh cũng nhanh, gọn. "Hôm nay gửi thông tin, ngay hôm sau có thể đi luôn", Mạnh nói.

1 Di Mua Usd Thue Mua 5000 Usd Duoc Tra Cong 15 2 Trieu Dongngay

Nở rộ dịch vụ thuê mua, đổi ngoại tệ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo tìm hiểu, mức phí 1 triệu đồng/ngày để thuê người mua USD trong ngân hàng thậm chí chưa phải cao nhất. Hoàng Hải cũng đang "gom" người và trả một mức phí cạnh tranh hơn, lên tới 1,2-1,5 triệu đồng một ngày, nếu mua được ngoại tệ ở 4-5 ngân hàng. Các "ưu đãi" về đưa đón, phụ cấp ăn trưa dành cho người được thuê cũng giống hệt Hữu Mạnh. Những người được thuê mua ngoại tệ chỉ cần gửi thông tin như Hải yêu cầu trước một ngày.

Nhưng theo tìm hiểu của Dân trí, mức giá nói trên vẫn chỉ là tầm trung vì Hữu Mạnh hay Hoàng Hải thực tế chỉ là "cò".

Hoàng Long - cũng đang tìm người mua ngoại tệ hộ - nói mức chi trả cho một người chỉ từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng là do đã thông qua môi giới. Long cho biết cậu cũng có một nhóm chuyên đi tìm người mua/đổi ngoại tệ hộ, và quy định mức công mỗi người một ngày là 1,7 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Môi giới tìm được người sẽ tự "ăn chia" số tiền này. Còn những ai trực tiếp làm việc với Long, có thể nhận được toàn bộ 2 triệu đồng.

Những người này sẽ cùng Long đi tới ngân hàng, điều cần làm chỉ là ký vào giấy tờ mua, còn các thủ tục về hồ sơ "sẽ có người khác lo liệu".

Thực tế, không phải bất kỳ ai cũng được phép mua ngoại tệ. Khoản 1, Điều 2 trong Thông tư 20/2011 (Thông tư 20) của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép nêu rõ: Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài là người học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, hoặc đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Hữu Mạnh, Hoàng Hải hay Hoàng Long thường vin vào quy định du lịch nước ngoài để "lách" mua và đổi ngoại tệ.

Cụ thể, những người đồng ý giao dịch hộ sẽ gửi thông tin hộ chiếu cùng chứng minh thư hay căn cước công dân. Người thuê sẽ lấy thông tin, đặt vé máy bay để giả đi du lịch. Hoàng Hải cho biết những chiếc vé này chỉ đặt trước một ngày người mua hộ có mặt tại chi nhánh ngân hàng, khi mua xong USD sẽ hoàn vé để lấy lại tiền, chấp nhận mất một mức phí, tùy vào các hãng bay nhưng sẽ dao động trong khoảng 500.000-800.000 đồng/vé.

2 Di Mua Usd Thue Mua 5000 Usd Duoc Tra Cong 15 2 Trieu Dongngay

Xuất hiện tình trạng vin vào quy định du lịch nước ngoài để "lách" mua và đổi ngoại tệ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Chia sẻ với Dân trí, Minh Trang, một nhân viên phòng vé, chuyên đặt vé máy bay đi nước ngoài cho biết khả năng đặt như trên có thể xảy ra. Khách hàng thực hiện thủ tục này nhờ có bảo hiểm mua kèm vé. Tùy từng hãng bay và hãng bảo hiểm, trong trường hợp thay đổi kế hoạch bay hoặc hủy chuyến, khách vẫn được hoàn tiền, chấp nhận mất mức phí quy định.

Thông thường, những người thuê mua ngoại tệ này sẽ đặt vé đi các nước Đông Nam Á để không tốn thêm chi phí làm visa. Tại nhiều nhà băng, dù khách mua hay đổi USD không tới đất nước sử dụng đồng USD thì họ vẫn có thể thực hiện giao dịch.

Trong Điều 4 của Thông tư 20 thực tế đã có quy định về loại ngoại tệ được mua. Theo đó, công dân đáp ứng nhu cầu ngoại tệ quy định sẽ được mua ngoại tệ là đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến. "Trường hợp không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến, tổ chức tín dụng được phép thực hiện bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác", quy định nêu.

Sau khi hoàn tất các giấy tờ thủ tục, người mua ngoại tệ hộ chỉ cần cùng người thuê vào ngân hàng, ký giấy mua bán.

Mua hay đổi ngoại tệ tại ngân hàng có dễ?

Khảo sát của Dân trí trên các hội nhóm mua bán ngoại tệ cho thấy hoạt động bán USD ở nhiều chi nhánh ngân hàng diễn ra sôi nổi. Tại đây, nhiều nick facebook tự xưng là nhân viên tín dụng các ngân hàng liên tục quảng cáo về việc chi nhánh ngân hàng mới được điều lượng lớn USD về, thị trường lại hạn hẹp nguồn cung nên ai có nhu cầu thì nên "tranh thủ".

Ở mỗi chi nhánh ngân hàng lại có hạn mức khác nhau. Hạn mức mua, đổi ngoại tệ tối đa của cá nhân ở nhiều chi nhánh nhà băng lên tới 5.000 USD/người/ngày. Thủ tục mua USD ở mỗi chi nhánh nhà băng cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, theo giới thiệu của các nhân viên tín dụng, thủ tục "rất đơn giản".

Với người mua/đổi ngoại tệ theo diện đi du lịch tại các nước Đông Nam Á, tại nhiều nhà băng chỉ cần có vé máy bay, hộ chiếu là có thể được mua hạn mức tối đa 5.000 USD/người.

Có chi nhánh nhà băng sẽ yêu cầu thêm giấy đặt phòng tại nơi du lịch. Hoặc có nơi nếu đi tới nước có yêu cầu visa sẽ được mua 5.000 USD/người, còn đi các nước Đông Nam Á, không cần visa chỉ được mua 100 USD/người. Tại một số chi nhánh ngân hàng khác, nhân viên tín dụng cho biết với các nước Đông Nam Á không yêu cầu visa sẽ được mua tối đa 3.000 USD/người.

3 Di Mua Usd Thue Mua 5000 Usd Duoc Tra Cong 15 2 Trieu Dongngay

Những người thuê mua ngoại tệ này sẽ đặt vé đi các nước Đông Nam Á để không tốn thêm chi phí làm visa (Ảnh minh họa: ADB).

Thời gian mua ngoại tệ thường chỉ trước 1-3 ngày so với thời gian bay trên vé, tùy quy định mỗi nhà băng. Cũng có nhà băng không có quy định giới hạn số ngày trước khi bay để mua USD.

Nhiều nhân viên tại một số chi nhánh ngân hàng thậm chí "ưu ái" khách hàng tới mức có thể gửi trước thông tin vé máy bay đã thanh toán cùng hộ chiếu để nhân viên chuẩn bị hồ sơ xét duyệt và "gom" USD. Khách hàng chỉ cần hôm sau đến ký giấy và lấy ngoại tệ về.

Ngoại tệ sẽ đi đâu?

Hữu Hiếu là một trong những người từng tham gia mua ngoại tệ hộ. Và chính Hiếu cũng đang là một môi giới. Chàng trai 23 tuổi mới ra trường một năm, chưa kiếm được công việc ổn định, đi tìm thêm khách hàng mua hay đổi USD hộ để nhận hoa hồng lên tới 500.000 đồng cho mỗi thương vụ thành công.

Ban đầu, Hiếu mua USD theo nhóm của Hữu Mạnh, nhận 1 triệu đồng sau khi đi giao dịch ở 5 chi nhánh ngân hàng. Sau lần mua đầu, Hiếu thấy cách kiếm tiền này "chẳng phải làm gì và cũng chẳng phải lo gì", chưa kể chỉ cần kiếm người là có thêm thu nhập.

Ngoài ra, lý do phải đi làm môi giới thêm là bởi việc mua ngoại tệ hộ, cũng không được phép làm thường xuyên. Hiếu nói "lâu lâu mới có thể mua một lần", khi thì vài tuần, khi cả tháng bởi theo như được kể từ những người đi trước, các ngân hàng chỉ bán cho người đi du lịch thật, việc xuất hiện quá nhiều ở các chi nhánh sẽ sinh ra nghi ngờ.

4 Di Mua Usd Thue Mua 5000 Usd Duoc Tra Cong 15 2 Trieu Dongngay

Nhiều người đến ngân hàng mua/đổi ngoại tệ song không quan tâm số USD giao dịch dưới tên mình được dùng để làm gì (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Kiều Phương - được Hiếu giới thiệu về dịch vụ mua hộ USD trả phí - lại tỏ ra chần chừ. Dù số tiền nếu đi theo mối của Hiếu lớn gấp 6 lần số tiền Phương kiếm được một ngày nhưng cô gái trẻ băn khoăn không rõ việc này có đúng pháp luật không. "Mình đâu thực sự đi nước ngoài", Phương chia sẻ. "Chưa kể, phải đưa hết giấy tờ quan trọng cho người lạ, nên tôi không rõ mình có bị lừa hay lấy cắp thông tin không", Phương nói.

Các hội nhóm tuyển người mua hộ ngoại tệ thì luôn trong tình trạng thiếu người. Thông thường, Hiếu chỉ trả cho một người 1,2 triệu đồng/ngày, với công mua USD ở 5 chi nhánh ngân hàng. Nhưng có ngày Hiếu thông báo cần người gấp, sẽ nâng mức trả lên 1,5-1,7 triệu đồng. Điều này một phần cho thấy thị trường ngoại tệ không chính thống đang cần nguồn cung lớn.

Hiếu không quan tâm số USD mua hay đổi dưới tên mình sẽ được dùng để làm gì. Khi được hỏi có tò mò về "đầu ra" của số ngoại tệ mua theo cách lách luật này, Hiếu cho biết cũng đã từng hỏi thử nhưng câu trả lời nhận được là "không nên biết". Sau này, khi trở thành môi giới, Hiếu cũng khuyên các khách hàng như vậy. "Khách hàng chỉ cần biết rằng cứ đi là chắc chắn sẽ có tiền", Hiếu nói.

Hoàng Long cũng không nói rõ lý do cứ mỗi tuần lại có 4-5 đợt "gom" lượng USD lớn như vậy, khách hàng của Long cũng chỉ cần biết "không bao giờ phải lo về đầu ra, luôn có sẵn bên để bán lại".

Dù không nói cụ thể số tiền mỗi lần mang đi mua USD, nhưng nếu mỗi khách mua được 5.000 USD tại 5 chi nhánh ngân hàng, thì với tỷ giá bán ra tại Vietcombank gần nhất là 23.870 đồng/USD, số tiền Hoàng Long phải chi ra để một khách mua USD một ngày lên tới 596 triệu đồng.

Còn tỷ giá bán tại thị trường tự do gần nhất là 24.270 đồng/USD, tạm tính giá này, số tiền Long bán USD thu lại được là hơn 606 triệu đồng. Phần chênh giữa giao dịch mua - bán với mỗi khách là 10 triệu đồng. Theo như các bài đăng trên hội nhóm và facebook cá nhân, mỗi tuần Long kiếm tới 50 khách mua USD.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan