Cổ phiếu Gazprom lao dốc khi công ty lần đầu hủy trả cổ tức trong 24 năm

Gazprom của Nga mất hơn 1/4 giá trị thị trường trong ngày 30.6 sau khi quyết định không chia cổ tức lần đầu tiên kể từ năm 1998.

1 Co Phieu Gazprom Lao Doc Khi Cong Ty Lan Dau Huy Tra Co Tuc Trong 24 Nam

Gazprom lần đầu hủy trả cổ tức kể từ năm 1998. Ảnh chụp màn hình

“Các cổ đông quyết định rằng, tình hình hiện tại không thích hợp để chia cổ tức dựa trên kết quả của năm 2021" - Famil Sadygov, Phó Chủ tịch Gazprom, nêu trong thông cáo.

Hiện tại, Gazprom ưu tiên thực hiện chương trình đầu tư, trong đó có mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt tại các khu vực của Liên bang Nga và chuẩn bị cho giai đoạn mùa đông sắp tới, ông nói.

"Ngoài ra, chúng tôi chắc chắn phải sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ nộp các khoản thuế tăng lên" - Phó Chủ tịch Gazprom nói thêm. 

Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1998 Gazprom không trả cổ tức. Động thái này cũng được cho là đã đảo ngược đề xuất của hội đồng quản trị về việc trả cổ tức 52,53 rúp (1 USD) cho mỗi cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của Gazprom đã giảm 27% trước khi sàn giao dịch chứng khoán Mátxcơva can thiệp để tạm dừng giao dịch, theo CNBC.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom báo cáo thu nhập kỷ lục trong năm 2021 nhờ giá hàng hóa tăng vọt. Tuy nhiên, hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga sau chiến sự Ukraina có nguy cơ ảnh hưởng mạnh tới doanh thu của ông lớn dầu khí Nga. 

Trong những tuần gần đây, dòng khí đốt của Nga đến Châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm, làm dấy lên lo ngại về khả năng thiếu khí đốt ở Châu Âu trong mùa đông. 

Công ty năng lượng Đức Uniper đầu tuần này đã hạ triển vọng tài chính cho năm 2022 do nguồn cung của Gazprom bị giảm. 

Chính phủ Đức gần đây cũng thông báo đang chuyển sang "mức cảnh báo" trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp. Việc chuyển chế độ này có nghĩa là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đang có nguy cơ cao về thiếu khí đốt dài hạn. 

Các nhà hoạch định chính sách ở Châu Âu đang nỗ lực bổ sung khí đốt cho kho dưới lòng đất nhằm đảm bảo các hộ gia đình có đủ nhiên liệu để bật đèn và sưởi ấm khi mùa đông đến. 

EU, nơi nhận được khoảng 40% khí đốt thông qua các đường ống của Nga, đang nỗ lực giảm nhanh sự phụ thuộc vào khí đốt Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. 

Nguồn: Báo Lao động


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan