Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường biện pháp chống phân biệt đối xử trong bầu cử

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết sẽ nâng gấp đôi số luật sư phụ trách đảm bảo quyền bầu cử làm việc cho cơ quan này. Ông Garland khẳng định sẽ sẵn sàng hành động để ngăn chặn các luật và chính sách địa phương gây khó khăn cho một số nhóm cư dân khi đi bầu cử.

1 My Tuyen Bo Se Tang Cuong Bien Phap Chong Phan Biet Doi Xu Trong Bau Cu

Cử tri kiểm tra lá phiếu trong cuộc bỏ phiếu sớm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 tại Fairfax, Virginia, ngày 18/9/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Ngày 11/6, Mỹ tuyên bố tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử trong các cuộc bầu cử.

Theo ông Garland, Bộ Tư pháp Mỹ đang nghiên cứu những luật mới có nguy cơ gây tổn hại tới quyền bỏ phiếu của các cử tri và có dấu hiệu vi phạm luật pháp liên bang. Bên cạnh đó, bộ trên còn nghiên cứu cả những luật và thông lệ hiện hành, để xác định xem những nội dung này có dẫn tới nguy cơ phân biệt đối xử với các cử tri da màu hay những cộng đồng thiểu số khác hay không.

Ông Garland chỉ ra các chính sách ở một số địa phương khiến cử tri da màu phải đợi lâu hơn khi đi bỏ phiếu trong khi cử tri ở những khu vực chủ yếu là người da trắng ít phải chờ đợi hơn.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng dự kiến sẽ có hướng dẫn cụ thể về bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu bằng đường bưu điện, về phân bổ các khu vực bỏ phiếu, về quy định kiểm đếm lại phiếu bầu, nhằm đảm bảo quyền bỏ phiếu bình đẳng cho mọi cử tri.

Theo ông Garland, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có số lượng cử tri đi bầu tăng cao đột biến chủ yếu nhờ có hình thức bỏ phiếu bằng đường bưu điện và bỏ phiếu sớm.

Sau cuộc bầu cử này, ít nhất 14 bang tại Mỹ đã thông qua những luật bầu cử mới gây khó khăn cho quá trình bỏ phiếu. Tất cả những luật mới được thông qua tại các bang này đều được phe Cộng hòa ủng hộ trong khi phe Dân chủ của Tổng thống Biden phản đối.

Tuyên bố mới của Bộ trưởng Tư pháp Garland được đưa ra trong bối cảnh đề xuất của Tổng thống Joe Biden về việc củng cố các quyền bỏ phiếu trong luật pháp hiện hành nhiều khả năng sẽ bị Thượng viện Mỹ bác bỏ.

Theo TTXVN


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan