Mỹ tính chuyển lá chắn thép giúp Ukraine đánh chặn "mưa" tên lửa Nga

Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Raytheon Technologies cho biết Mỹ đang hợp tác với các nước Trung Đông để chuyển một số hệ thống phòng không tới Ukraine.

1 My Tinh Chuyen La Chan Thep Giup Ukraine Danh Chan Mua Ten Lua Nga

NASAMS được xem là lá chắn phòng không uy lực giúp đối phó tên lửa Nga (Ảnh: Ukrinform).

Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Raytheon Technologies, ông Greg Hayes, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, mục tiêu của Mỹ là gửi Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) từ Trung Đông tới Ukraine trong vòng 3-6 tháng tới. Sau đó, Mỹ sẽ bù lại bằng việc chuyển các hệ thống NASAMS mới tới Trung Đông trong 24 tháng tiếp theo.

"Có một số hệ thống NASAMS được triển khai trên khắp Trung Đông. Mỹ và một số đồng minh NATO của chúng tôi đang thảo luận với một số quốc gia Trung Đông hiện triển khai NASAMS để chuyển các hệ thống này cho Ukraine", ông Hayes nói.

Giám đốc tập đoàn Raytheon lưu ý rằng, việc chuyển các hệ thống phòng không từ Trung Đông đến Ukraine sẽ nhanh hơn so với việc sản xuất ở Mỹ rồi mới chuyển đến Ukraine. Ông Hayes cũng cho biết, quá trình sản xuất NASAMS mất khoảng 2 năm vì cần thời gian để mua các linh kiện điện tử và động cơ tên lửa.

Các quan chức Ukraine đã mất nhiều tháng để vận động Mỹ gửi các hệ thống NASAMS giúp Kiev đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Các hệ thống NASAMS có tầm bắn xa hơn so với các thiết bị phòng không khác mà các nước phương Tây đã gửi tới Ukraine. 2 hệ thống đầu tiên đã được chuyển đến vào đầu tháng 11 và Mỹ cam kết sẽ tiếp tục chuyển thêm.

Ngày 30/11, lục quân Mỹ đã trao một hợp đồng trị giá tới 1,2 tỷ USD để cung cấp 6 hệ thống NASAMS cho Ukraine vào năm 2025. Thỏa thuận này là một phần của gói Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine lần thứ 5, bao gồm hỗ trợ đào tạo và hậu cần.

Raytheon từ chối nêu tên các quốc gia Trung Đông sẽ gửi hệ thống NASAM cho Ukraine. Tuy nhiên, theo hồ sơ của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, khách hàng của Raytheon trong khu vực là Oman và Qatar.

Việc huấn luyện cho quân đội Ukraine là một thách thức đối với Mỹ khi Washington gửi thiết bị tiên tiến đến nước này. Ông Hayes cho biết Na Uy đã huấn luyện khoảng 60 quân nhân Ukraine sử dụng 2 hệ thống NASAMS. Kongsberg, một công ty của Na Uy, đồng phát triển NASAMS với Raytheon. Quá trình huấn luyện để sử dụng NASAMS thường mất 6 tháng, nhưng lực lượng Ukraine được đào tạo chỉ trong 60 ngày.

Giới quan sát nhận định, NASAMS sẽ làm gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ của Ukraine trước dàn hỏa lực vượt trội của Nga, trong bối cảnh Moscow gần đây phóng "mưa" tên lửa xuống các mục tiêu quan trọng của Kiev.

Được phát triển lần đầu vào những năm 1990, NASAMS hiện có 3 biến thể. NASAMS-3 đã được hé lộ vào năm 2019, được trang thiết bị phân phối hỏa lực mới và tầm bắn xa hơn. Năm 2021, Raytheon tuyên bố phiên bản NASAMS 4 sẽ trang bị hệ thống radar AESA băng tần S tầm trung mới.

NASAMS thích hợp nhất để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Nếu có NASAMS, Ukraine nhiều khả năng sẽ đưa hệ thống này để bảo vệ thủ đô Kiev, nơi hứng chịu các vụ tập kích tên lửa của Nga.

NASAMS hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp - loại mà Nga đã sử dụng nhiều trong chiến sự thời gian qua. Tầm đánh chặn của NASAMS trải dài từ độ cao 300-15.000m. Thông số này tốt hơn so với việc Ukraine triển khai tiêm kích để đánh chặn tên lửa hành trình - vốn không quá hiệu quả khi Kiev nhiều lần để lọt tên lửa Nga.

Theo Politico

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan