Mỹ dồn dập chuyển vũ khí cho Ukraine giữa lúc căng thẳng

Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine giữa những lo ngại rằng Nga có thể sắp “động binh” với Kiev.

1 My Don Dap Chuyen Vu Khi Cho Ukraine Giua Luc Cang ThangMáy bay vận tải của Mỹ vận chuyển trang thiết bị quân sự cho Ukraine hôm 25/1 (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, ngày 25/1, một máy bay vận tải của Mỹ chở các tên lửa chống tăng Javelin, bệ phóng và một số khí tài khác đã đáp xuống sân bay ở thủ đô Kiev, Ukraine. Đây là đợt vận chuyển vũ khí thứ 3 trong vòng vài ngày trở lại đây trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 200 triệu USD mà Mỹ dành cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov thông báo trên Twitter rằng: “Tên lửa Javelin đã đến Kiev! Một chuyến cung cấp an ninh mới gồm tên lửa và các bệ phóng với tổng trọng lượng 80 tấn. Chúng tôi hy vọng đợt cung cấp thứ 4 sắp diễn ra. Xin cảm ơn đối tác chiến lược của chúng tôi”.

Mỹ là một trong những đối tác viện trợ an ninh lớn cho Ukraine. Năm ngoái, Mỹ viện trợ an ninh hơn 650 triệu USD cho Ukraine và tổng cộng 2,7 tỷ USD kể từ năm 2014.

Các lô vũ khí của Mỹ được vận chuyển tới Ukraine giữa lúc Washington và các đồng minh phương Tây lo ngại Nga có thể sắp “động binh” với Ukraine. Nga liên tục tăng cường hiện diện quân sự ở các khu vực sát biên giới với Ukraine vài tháng trở lại đây. Ước tính hiện tại Nga đang duy trì hơn 125.000 binh sĩ và khí tài ở những khu vực này. Tuy nhiên, Nga khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và rằng việc triển khai lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là bình thường.

Mỹ cảnh báo trừng phạt Nga

2 My Don Dap Chuyen Vu Khi Cho Ukraine Giua Luc Cang Thang

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25/1 cảnh báo, Nga sẽ phải “lĩnh hậu quả to lớn” nếu hành động quân sự với Ukraine. Ông Biden nói, nếu Nga “động binh”, điều đó có thể làm “thay đổi thế giới” và khi đó Washington không loại trừ khả năng áp lệnh trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin.

Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, các lệnh trừng phạt kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho Nga sẽ vượt xa những lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhằm vào Moscow năm 2014 sau khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea. Các biện pháp này có thể bao gồm hạn chế xuất khẩu thiết bị công nghệ cao do Mỹ sản xuất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán, không gian.

Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây leo thang trong bối cảnh Nga tăng cường lực lượng quân sự và bị nghi chuẩn bị hành động quân sự với Ukraine. Động thái của Nga được cho là nhằm gây sức ép buộc phương Tây chấp nhận các đề xuất an ninh của nước này giữa lúc Moscow lo ngại chiến lược mở rộng về phía đông của NATO – liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm qua cho biết, Mỹ sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào với Nga về các cam kết an ninh và cách duy nhất để đạt được các thỏa thuận song phương là các bước đi có lợi cho cả hai bên. “Bất cứ thỏa thuận nào cũng phải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, nghĩa là Nga cũng phải thực hiện những việc để đảm bảo an ninh của chúng tôi”, ông Price nói.

Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh, trong đó bao gồm đề nghị NATO không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997. Các cuộc đàm phán an ninh giữa Nga và phương Tây đến nay vẫn bế tắc.

Nguồn: Dantri


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan