Mỹ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga: Lỗ hổng làm NATO suy yếu

Với hàng loạt bất đồng chưa được giải quyết, Mỹ đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Các nhà quan sát đánh giá, mối quan hệ khăng khít giữa Moscow và Ankara có thể làm suy yếu nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO.

Vào đầu tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ một bức thư yêu cầu mua 40 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất và 80 bộ phụ tùng để hiện đại hóa các tiêm kích hiện có.

Yêu cầu trên được đưa ra sau khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vì Ankara mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Diễn biến này đã cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang xích lại gần Nga trong khi ngày càng xa rời các đồng minh NATO.

1 My Day Tho Nhi Ky Xich Lai Gan Nga Lo Hong Lam Nato Suy Yeu

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty

Quốc hội Mỹ đã phản ứng gay gắt trước yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một nhóm gồm 40 nghị sĩ trong lưỡng đảng Mỹ đã gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phản đối hợp đồng trên, gọi các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "tùy tiện và phi pháp", đồng thời chỉ trích Tổng thống Tayyip Erdogan.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cũng thể hiện sự phản đối mạnh mẽ trước yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng nước này "không xứng là một thành viên NATO vì đã không làm những điều nên làm trong khi được cung cấp cho những thiết bị chiến đấu hiện đại nhất".

Cả ông Menendez và các nghị sĩ đều chỉ trích trực tiếp ông Erdogan: "Cuối cùng thì, ông ta cần phải thay đổi hành vi".

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Erdogan không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ thay đổi lập trường và hành vi của mình. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nếu Mỹ từ chối yêu cầu mua F-16, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm kiếm những giải pháp thay thế, trong đó có những hệ thống từ Nga.

Đồng minh không đồng lòng

Thời gian Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của NATO kéo dài gần bằng thời gian liên minh này thành lập cho tới nay nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, đã xấu đi nghiêm trọng do nhiều bất đồng.

Ở phía bắc Syria, Mỹ ủng hộ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống IS. SDF bao gồm các tay súng người Kurd, chủ yếu đến từ Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

YPG được coi là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Syria, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, PKK đã tấn công quân đội và các lực lượng thực thi luật pháp ở phía đông bắc của nước này. Ankara thường xuyên tiến hành các chiến dịch chống các tay súng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng YPG ở Syria.

Thỏa thuận quốc phòng gần đây giữa Mỹ và Hy Lạp cũng là một nút thắt căng thẳng giữa Washington và Ankara.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa 2 đồng minh NATO lâu năm này là mối quan hệ thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, vốn ngày càng được tăng cường sau khi Ankara mua hệ thống S-400.

Các quan chức Mỹ tin rằng, việc vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa công nghệ cao do Nga sản xuất có thể khiến Moscow tiếp cận các thông tin quan trọng trong các hệ thống vũ khí của phương Tây, trong đó có F-35.

Điều đó đã khiến Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và trừng phạt chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một công ty sản xuất quốc phòng lớn của nước này theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đây là lần đầu tiên một đồng minh của Mỹ bị trừng phạt theo CAATSA.

Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất những phần quan trọng của F-35 và Ankara chi khoảng 1,4 tỷ USD cho 100 tiêm kích F-35. Việc khoản chi phí này không được hoàn lại đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ. Tổng thống Erdogan đang muốn Mỹ bồi thường khoản tiền này và chuyển nó sang hợp đồng mua F-16.

Bài toán cân bằng khó khăn

Nhà Trắng hiểu tầm quan trọng địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra Levant - khu vực rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải, Trung Đông và khu vực Caucasus, cũng như làm chủ bờ biển phía nam của Biển Đen - nơi có lực lượng quân sự lớn nhất NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một địa điểm quan trọng cho các hoạt động quân sự, là nơi đặt Căn cứ Không quân Incirlik - một cơ sở Mỹ trữ gần 50 quả bom hạt nhân B-61.

Tổng thống Joe Biden đã gặp người đồng cấp Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 10 với hy vọng sẽ làm tan băng quan hệ hai bên. Trong số những chủ đề được thảo luận bao gồm cả đề nghị mua F-16 từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

"Trong khi tôi chứng kiến hướng tiếp cận tích cực của Tổng thống Biden về vấn đề này thì Hạ viện và Thượng viện Mỹ lại có một lập trường khác", ông Erdogan nhận định.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden không mời Thổ Nh ĩ Kỳ tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ của Mỹ vào tháng 12 tới. Ankara cũng "làm khó" ông Biden khi nước này cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch mua hệ thống S-400.

Tổng thống Biden hiện đang đối mặt với một bài toán cân bằng đầy thách thức. Việc hàn gắn mối quan hệ cũng như thuyết phục Quốc hội chấp nhận yêu cầu mùa F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi hành vi. Cùng lúc đó, việc từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến quan hệ hai bên ngày càng lao dốc sau khi Ankara bị loại khỏi chương trình F-35.

Lời từ chối này cũng có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Trong bài viết trên Business Insider, nhà quan sát Constantine Atlamazoglou cho rằng, mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO./.

Kiều Anh (biên dịch)

Theo: Business Insider

Nguồn: vov.vn


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan