Nợ nần vì ăn cưới ở Mỹ

Mới nửa năm, Berkey đã được mời dự 10 đám cưới trên khắp nước Mỹ, với tổng chi phí khoảng 20.000 USD, khi lạm phát tăng kỷ lục.

Lạm phát phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua, khiến giá cả, chi phí tham dự đám cưới như vé máy bay, tiền khách sạn, quần áo, quà tặng leo thang. Nhiều đám cưới bị hoãn do đại dịch Covid-19 cũng được lên lịch trở lại, khiến số lượng thiệp mời cưới tăng đột biến.

Issy Berkey, 27 tuổi, tư vấn viên tại bang New York, đã phải từ chối dự một đám cưới tại Italy do vé máy bay nằm ngoài khả năng chi trả của cô.

Giá vé máy bay trung bình ở Mỹ đã tăng 33% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 19% so với tháng trước, theo chỉ số đánh giá tiêu dùng mới nhất tại nước này. "Tôi nhận ra rằng từ chối lời mời dễ dàng hơn là tham dự", Berkey nói.

1 No Nan Vi An Cuoi O My

Tuy nhiên, cô vẫn dự định tham gia 8 đám cưới cùng một tiệc độc thân ở những địa điểm ngoài bang New York như Arizona, Chicago, Canada, với tổng chi phí khoảng 20.000 USD.

"Số tiền này chắc chắn không lý tưởng với các mục tiêu tài chính của tôi. Tôi sẽ phải cắt giảm các khoản khác để tham dự những đám cưới này", Berkey nói.

Theo Wedding Report, hãng chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp cưới hỏi ở Mỹ, khoảng 2,5 triệu đám cưới sẽ diễn ra ở Mỹ trong năm nay, nhiều nhất kể từ năm 1984.

Khảo sát từ Credit Karma cho thấy 73% người được hỏi cho rằng lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tham dự đám cưới của họ, buộc một số người lâm vào cảnh vay nợ, tiêu lạm vào tiền tiết kiệm để đi ăn cưới, hoặc buộc phải từ chối lời mời.

Credit Karma cũng cho biết người Mỹ tham dự trung bình 2,5 đám cưới trong năm nay và chi khoảng 1.000 USD cho mỗi sự kiện.

Hơn 50% người được hỏi khẳng định sẵn sàng chi nhiều hơn mức trung bình cho mỗi đám cưới, sau khoảng thời gian dài các lễ cưới bị hoãn do Covid-19. "Họ đã chờ đợi những sự kiện này trong thời gian quá dài", Colleen McCreary, trưởng nhóm vận động tài chính tiêu dùng tại Credit Karma, giải thích.

Hơn 30% số người được hỏi cho hay FOMO (hội chứng sợ đứng ngoài cuộc) là lý do khiến họ cố gắng tham dự các đám cưới mặc dù không đủ khả năng chi trả. Tỷ lệ này ở thế hệ Gen Z (nhóm ra đời năm 1997-2012) là 50% và thế hệ thiên niên kỷ Millennials (nhóm ra đời năm 1981-1996) là 45%.

FOMO cũng là nguyên do khiến Erin Scanlon, 24 tuổi, sống ở Austin, Texas, chật vật lo tiền dự đám cưới và tiệc độc thân sắp tới của người bạn thân nhất, diễn ra tại bang Bắc Carolina, cách nơi cô ở khoảng 2.200 km.

"Khi giá cả leo thang, tôi thực sự không thể chi 800 USD cho chuyến bay dự tiệc độc thân vào tháng 6 rồi quay về và làm điều tương tự để dự đám cưới vào tháng 7", cô nói. "Nhưng bỏ lỡ dịp như thế này khiến bạn như thể đứng ngoài cuộc vậy".

Jeff Yu, 28 tuổi, sống ở Seattle, cũng không muốn bỏ lỡ ngày trọng đại của bạn bè. Anh dự định tham gia 4 đám cưới và hai bữa tiệc độc thân trong năm nay và ước tính chi khoảng 1.000-1.500 USD/lần. Anh và hôn thê cũng đang lên kế hoạch tổ chức hôn lễ.

"Tôi đã không gặp họ trong nhiều năm, thật khó để định giá cho điều đó", Yu nói.

Nhiều người đang tìm mọi cách cắt giảm chi tiêu nhằm tiết kiệm tiền đi ăn cưới. Nancy Nystrom, 29 tuổi, nhận được 7 thiệp mời, nhưng đã phải từ chối 3 đám cưới do chi phí quá lớn. Tuy vậy, cô quyết tâm dành dụm tiền để tới Florida dự một số đám cưới vào cuối năm.

"Để tiết kiệm, tôi tìm cách đặt sẵn mọi thứ trước nhiều tháng", Nystrom nói. "Điều này đúng là có chút nực cười".

Mariana Martinez, nhà tư vấn kết nối gia đình ở Wells Fargo, cho rằng từ chối dự đám cưới là việc rất khó khăn, song việc trao đổi thẳng thắn về khó khăn trong chi phí có thể là một cách để làm sâu sắc thêm tình bạn. Bà cũng khuyên người trẻ Mỹ nên bố trí một khoản ngân sách hợp lý để trang trải chi phí dự các đám cưới, cũng như biết cách cắt giảm những khoản chi nào để bù đắp. Nguồn: Báo Úc


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan