Mỹ phát hiện vi khuẩn gây bệnh Whitmore trong bình xịt phòng

Giới chức y tế Mỹ vừa giải mã bí ẩn về 4 ca nhiễm một chủng vi khuẩn hiếm gặp có nguồn gốc từ Nam Á dù họ không đi du lịch nước ngoài. Bí ẩn này liên quan đến bình xịt phòng nhập khẩu từ Ấn Độ.

1 My Phat Hien Vi Khuan Gay Benh Whitmore Trong Binh Xit Phong

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ phát hiện vi khuẩn gây bệnh Whitmore trong chai xịt phòng nhập khẩu từ Ấn Độ - Ảnh: NBC NEWS

Ngày 22-10, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các nhà điều tra đã phát hiện vi khuẩn gây bệnh melioidosis (hay còn gọi là bệnh Whitmore) trong bình xịt phòng tại nhà của 1 trong 4 bệnh nhân.

Theo Hãng tin AP, 4 bệnh nhân sống tại các bang Georgia, Kansas, Minnesota và Texas. Hai trong số họ, trong đó có một em bé tại Georgia, đã chết sau khi nhiễm bệnh.

CDC cho biết vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trong bình xịt phòng nói trên cùng chủng với vi khuẩn được tìm thấy trong cơ thể 4 bệnh nhân.

Bình xịt phòng - tìm thấy tại nhà bệnh nhân ở bang Georgia - có xuất xứ từ Ấn Độ và được mua trên chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ. Đây là sản phẩm của nhãn hiệu "Better Homes & Gardens".

Phân tích gene cho thấy vi khuẩn trong bình xịt phòng tương tự như các chủng vi khuẩn thường thấy ở Nam Á. Hiện giới chức liên bang đang xét nghiệm các sản phẩm được tìm thấy trong nhà 3 bệnh nhân còn lại.

Ngày 22-10, Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ cho biết Walmart đang thu hồi gần 4.000 bình xịt phòng của nhãn hiệu này.

Theo kênh NBC News, Burkholderia pseudomallei chưa từng được phát hiện trong các sản phẩm gia dụng, ít nhất là tại Mỹ.

Những vi khuẩn này thường xuất hiện nhiều trong đất hoặc nước ô nhiễm tại Nam Á hay Bắc Úc.

Trung bình mỗi năm, khoảng 10 ca nhiễm chủng vi khuẩn này được chẩn đoán tại Mỹ, thường là trong số những người đã đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, 4 trường hợp nói trên đã nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei trong vài tháng qua, đặc biệt là họ không du lịch nước ngoài. Điều này đã buộc CDC vào cuộc.

Whitmore là bệnh gây hoại tử, nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra.

Tại Việt Nam, bệnh Whitmore được ghi nhận sau các đợt lũ ở khu vực miền Trung.

Tháng 10 và 11-2020, Bệnh viện Trung ương Huế đã ghi nhận 30 ca mắc Whitmore nhập viện điều trị, hầu hết các bệnh nhân đều là người tại vùng bị lũ lụt ở miền Trung.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan