Virus SARS-CoV-2 đột biến 32 lần trong một người nhiễm HIV

Trong vòng 7 tháng, virus SARS-CoV-2 đã đột biến 32 lần bên trong cơ thể một phụ nữ có tiền sử HIV.

South China Morning Post dẫn một báo cáo hôm 3/6 cho biết các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 13 đột biến protein và 19 đột biến thay đổi hành vi của virus SARS-CoV-2 trên một bệnh nhân Covid-19 có tiền sử HIV.

“Điều này làm tăng khả năng việc nhiễm HIV có thể là nguồn gốc phát sinh các biến thể mới, vì virus tồn tại lâu hơn trên cơ thể bệnh nhân”, ông Tulio de Oliveira, nhà di truyền học tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, cho biết.

1 Virus Sars Cov 2 Dot Bien 32 Lan Trong Mot Nguoi Nhiem Hiv

Châu Phi đang là một điểm nóng về Covid-19 khi có nhiều bệnh nhân nhiễm virus có tiền sử HIV. Ảnh: Los Angeles Times.

Chưa rõ liệu những đột biến mà người phụ nữ 36 tuổi sống ở Nam Phi có thể truyền sang người khác hay không, theo Los Angeles Times.

Dù vậy, bác sĩ Juan Ambrosini, nhà nghiên cứu tại Đại học Barcelona, nói rằng trường hợp trên có lẽ là một ngoại lệ, chứ không áp dụng cho tất cả người nhiễm HIV. Theo ông, việc lây nhiễm kéo dài như vậy đòi hỏi hệ thống miễn dịch phải suy giảm một cách nghiêm trọng.

Theo đó, nghiên cứu trên được tiến hành khi người phụ nữ đã bị ức chế miễn dịch. Những bệnh nhân này có thể mang virus corona lâu hơn những người khác.

Tuy nhiên, ông Ambrosini cho biết phát hiện của các nhà nghiên cứu rất quan trọng đối với việc kiểm soát Covid-19, rằng cơ thể bệnh nhân có thể là nơi virus SARS-CoV-2 lây truyền và tiến hóa liên tục.

Bên cạnh đó, ông Oliveira nói rằng những trường hợp nhiễm bệnh như trên có thể bị bỏ sót khi điều trị. Trên thực tế, trong thời gian đầu tại bệnh viện, người phụ nữ Nam Phi chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ của Covid-19.

Sau đó, vấn đề của cô đã được các nhà khoa học phát hiện, thông qua việc tham gia vào một nghiên cứu xem xét phản ứng miễn dịch đối với Covid-19 của 300 người nhiễm HIV.

Từ đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện bốn người nhiễm HIV khác mang virus corona trong cơ thể khoảng hơn một tháng. Trước đây, chỉ có một ca tương tự được phát hiện.

Ông Ambrosini cho biết việc ức chế miễn dịch của một số bệnh nhân Covid-19 cũng có thể đến từ những nguyên nhân khác, bao gồm trường hợp người được cấy ghép thận bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khoảng gần một năm.

Phát hiện trên được các nhà khoa học đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt đối với châu Phi. Năm 2020, châu Phi có có 20,6 triệu người chung sống với HIV, trong số 37,6 triệu dân số.

Hôm 4/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm có thể trở thành làn sóng Covid-19 thứ ba trên toàn lục địa.

Tính đến ngày 5/6, trên thế giới có hơn 173,3 triệu ca dương tính với Covid-19, trong đó hơn 156 triệu ca đã bình phục. Số ca tử vong là 3,7 triệu ca, chiếm khoảng 2,2%.

Nguồn: Zing


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan