Gia tăng ca nhiễm có biến chứng: Nhiều người không biết mình mắc bệnh nền

Nhiều người mắc bệnh nền nhưng không biết mình mắc bệnh, có người sau khi phát hiện bệnh lại không có biện pháp kiểm soát bệnh. Chính điều này cũng làm gia tăng các ca nhiễm COVID-19 có biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

1 Gia Tang Ca Nhiem Co Bien Chung Nhieu Nguoi Khong Biet Minh Mac Benh Nen

Điều trị cho người F0 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Số ca tử vong tăng trở lại những ngày gần đây, cần những can thiệp tích cực ra sao?

Ca tử vong âm thầm tăng

Theo báo cáo hằng ngày của Bộ Y tế, có 4/7 ngày trong tuần qua số bệnh nhân COVID-19 tử vong vượt 100 ca, trong đó ngày cao nhất lên tới 139 ca, trung bình cả tuần là 95 ca/ngày. So sánh trong cả tháng 10 và những ngày đầu của tháng 11, số tử vong đã giảm về mức 2 con số: tuần từ 2 đến 9-11 trung bình 69 ca tử vong/ngày, tuần từ 24 đến 31-10 là 59 ca tử vong/ngày; tuần từ 13 đến 20-10 là 78 ca/ngày. 

Nhưng tuần vừa qua lại là tuần có số ca tử vong cao nhất trong hơn 1 tháng nay, ngày có số tử vong cao nhất trong tuần cũng là ngày có số tử vong cao nhất tính từ đầu tháng 10 đến nay. Những con số này cùng với số ca mắc, ca chuyển nặng phải nhập viện đang tăng trở lại đòi hỏi phải có biện pháp can thiệp tích cực để giảm số ca tử vong.

Theo thông tin từ TP.HCM, TP đang có gần 52.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà, trong khi TP đang thiếu thuốc Molnupiravir (thuốc điều trị có kiểm soát cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ đang cách ly tại nhà). Số thuốc còn lại của TP.HCM chỉ đủ sử dụng tính bằng ngày, rất ít ỏi. Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề nghị Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đề xuất khẩn cấp cấp thêm thuốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Nguyễn Ngô Quang cho biết đã cấp thêm Molnupiravir cho TP.HCM, nhưng không nói rõ số lượng đã cấp. Trong khi đó đã có bệnh nhân tại TP.HCM băn khoăn với thông tin "chỉ được cấp vitamin và thuốc hạ sốt, không thấy có Molnupiravir" và hỏi điều kiện để được nhận Molnupiravir.

Hiện nay đã có ít nhất 3 công ty dược Việt Nam có chuẩn bị để tham gia sản xuất Molnupiravir. Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển Vụ Pháp chế xem xét về tính pháp lý. Dự kiến trong tuần tới các điều kiện về pháp lý cơ bản đủ để đáp ứng yêu cầu cấp phép cho Molnupiravir sử dụng cho bệnh nhân.

Các chuyên gia cho hay phủ vắc xin mới là điều kiện cần để sống chung an toàn với COVID-19, có thuốc điều trị mới là điều kiện đủ để thoát bệnh. Tính đến 21-11, Việt Nam đã tiêm chủng xấp xỉ gần 108 triệu liều vắc xin, đang tiến sát mốc 90% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, số tiêm đủ 2 mũi đạt gần 55%. Đã có 18 tỉnh thành triển khai tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. 

Tại nhiều tỉnh thành, số liệu ca mắc cho thấy ngoại trừ số mắc COVID-19 dưới 18 tuổi (lứa tuổi có tỉ lệ tiêm chủng thấp hoặc chưa được tiêm chủng), thì 70-80% ca mắc mới là người đã tiêm vắc xin COVID-19, đòi hỏi Bộ Y tế có chiến lược sớm đánh giá hiệu quả vắc xin để sớm triển khai tiêm mũi bổ sung, cấp thuốc điều trị sớm cho bệnh nhân như thời điểm tháng 9-10 tại TP.HCM để giảm ca biến chứng nặng, giảm tối đa ca tử vong.

Ngoài TP.HCM, địa phương có số mắc và số tử vong cao nhất cả nước, hiện số tử vong vẫn ở mức cao, thì An Giang, Kiên Giang, Bình Dương... cũng đang có số tử vong cao so với các tỉnh thành.

Sớm kiểm soát, tránh biến chứng nặng

TS Trần Quốc Việt, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng, đặc biệt là những người trên 50 tuổi, những người có công việc độc hại với sức khỏe là kiểm tra bắt buộc. Còn tất cả mọi người, nên tầm soát ít nhất 1 năm 1 lần hoặc 6 tháng 1 lần nếu có yếu tố nguy cơ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Đến nay, ngành y tế Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tầm soát sức khỏe hoặc khuyến cáo rõ ràng về độ tuổi, giai đoạn tầm soát.

Khi tầm soát sức khỏe người dân có thể phát hiện sớm được các bệnh ở giai đoạn đầu, có cơ hội chữa khỏi, đặc biệt là ung thư.

TS Việt cho biết thêm, chi phí để tầm soát sức khỏe định kỳ phần lớn tại các cơ sở y tế tối thiểu là 1 triệu đồng, mức chi phí khoảng 2-3 triệu đồng là người dân có thể tầm soát phát hiện sớm những loại bệnh cơ bản. Sau đó tùy theo kết quả khám tầm soát, điều kiện người bệnh sẽ được tầm soát theo yêu cầu khám kỹ hơn để tìm ra các bệnh lý, điều trị kịp thời.

Theo TS Việt, việc lựa chọn cơ sở tầm soát uy tín cũng đóng vai trò rất quan trọng, nhiều đơn vị hiện nay lạm dụng kiểm tra sức khỏe định kỳ, tư vấn để bệnh nhân làm các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, vượt quá khả năng kinh tế của người đến khám. Nhiều bệnh nhân bị vẽ bệnh dẫn đến tiền mất tật mang, do đó người dân cần chú ý đến việc lựa chọn các cơ sở uy tín đề tầm soát.

"Hiện nay BHYT không chi trả cho tầm soát sức khỏe cho người dân mà chỉ chi trả chi phí khám chữa bệnh. BHYT nên xem xét chi trả cho việc tầm soát sức khỏe để qua đó cũng tiết kiệm được chi phí điều trị khi người bệnh còn ở giai đoạn sớm. Đây cũng là một phần của y học dự phòng mà ngành y tế Việt Nam đang rất muốn thực hiện để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho toàn dân", ông Việt nói.

ThS Kiều Xuân Thy, phó trưởng cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đại đa số người dân tại Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Việc tầm soát sức khỏe định kỳ rất quan trọng, giúp người bệnh biết được nếu có những rối loạn ở thời kỳ sớm, bác sĩ có thể kiểm soát tốt nhất, bệnh không có cơ hội tiến triển nặng hoặc có các biến chứng lâu dài. Như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng men gan, các bệnh lý viêm gan, các rối loạn có thể dẫn đến ung thư, các rối loạn khác của cơ thể...

Theo bác sĩ Thy, nếu bản thân người bệnh đã có các bệnh nền trước đó, việc đi lại trong thời gian giãn cách khiến việc tái khám định kỳ không thể đảm bảo thì việc tầm soát sức khỏe lại càng quan trọng hơn. 

Các bệnh lý này thường diễn tiến phức tạp nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có khả năng mắc các biến chứng nặng nề hơn. Việc điều trị do đó cũng trở nên khó khăn và lâu dài hơn. Việc tầm soát sức khỏe tổng quát trở nên quan trọng hơn trong việc phát hiện sớm, giải quyết các tình trạng rối loạn âm thầm trong cơ thể.

Phát hiện bệnh sau đi tiêm vắc xin

Anh L.N.D. (26 tuổi, TP.HCM) phát hiện nhịp tim của mình thường xuyên đập nhanh khi đến khám sàng lọc tại điểm tiêm vắc xin cộng đồng. Sau khi về nhà, anh tiếp tục theo dõi nhưng thấy tình trạng không giảm mà còn kéo dài hơn 3 tháng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hạn chế đi lại cộng với tâm lý e ngại dịch bệnh nên anh D. không đến bệnh viện kiểm tra ngay được. Mới đây, anh D. quyết định tìm đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh D. có bệnh lý về tuyến giáp bắt buộc phải điều trị.

Trường hợp khác là anh H.D. (30 tuổi, quận Phú Nhuận) đến bệnh viện tại TP.HCM thăm khám sau giãn cách, yêu cầu được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Anh D. cho biết do thời gian giãn cách xã hội phải làm việc ở nhà nên giờ giấc không được ổn định, kèm theo việc phải ngồi nhiều giờ trên máy tính khiến anh có dấu hiệu đau tức ở hậu môn, đi tiêu có kèm ra máu.

Ngoài ra, anh còn đau mỏi ở vùng cổ gáy lan xuống 2 vai, cảm giác cứng cơ và thỉnh thoảng tê lên đầu. Giấc ngủ của anh H.D. cũng bị rối loạn, mắt cảm giác mỏi, thỉnh thoảng có chóng mặt. Sau khi khám, các bác sĩ phát hiện thêm anh D. có tình trạng rối loạn mỡ máu và gan nhiễm mỡ.

F0 nên tầm soát sức khỏe định kỳ

2 Gia Tang Ca Nhiem Co Bien Chung Nhieu Nguoi Khong Biet Minh Mac Benh Nen

Người dân tầm soát bệnh tại bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Theo các chuyên gia y tế, khoảng 30% bệnh nhân hậu COVID-19 cần vào viện. Nhiều người dù có xét nghiệm âm tính nhưng chưa thực sự hồi phục về thể chất, thậm chí nhiều người còn rơi vào trầm cảm, căng thẳng. Những người F0 từng nguy kịch, phải thở máy vẫn còn di chứng phổi, họ rất cần được chăm sóc.

Theo TS Việt, sau khi khỏi bệnh, các F0 sẽ bị di chứng tổn thương phổi và các cơ quan khác. Do vậy, khi có bất kỳ triệu chứng gì phải đi khám ngay, còn lại giai đoạn đầu nên đi khám 2-3 tháng/lần để kiểm tra đánh giá lại.

Đối với trường hợp F0 đã khỏi bệnh nên có tầm soát định kỳ dày hơn, thời gian ngắn để không gặp biến chứng hậu COVID-19.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan