Thực tế phũ phàng đang đón chờ Elon Musk

Elon Musk muốn biến Twitter thành mạng xã hội có sự tự do ngôn luận. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ dễ dàng.

1 Thuc Te Phu Phang Dang Don Cho Elon Musk

Một thập kỷ trước, các lãnh đạo cấp cao của Twitter, bao gồm cả giám đốc điều hành Dick Costolo khi đó từng tuyên bố rằng mạng xã hội này là nơi để mọi người tự do thể hiện ý kiến. Twitter sẽ bảo vệ tiếng nói của người dùng và cho phép chia sẻ bất cứ điều gì họ muốn.

Kể từ đó, Twitter thường xuyên vướng vào những rắc rối phức tạp. Trong đó, việc lan truyền thông tin sai lệch, các chính phủ lạm dụng để kích động đối thủ chính trị và những lời đe dọa ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Giống như Facebook, YouTube và nhiều nền tảng truyền thông khác, Twitter buộc phải chuyển từ tự do ngôn luận sang các hình thức kiểm soát nội dung có phần cứng rắn.

Nói luôn dễ hơn làm

Trong vòng 10 năm qua, các cuộc đối đầu trong chủ đề tự do ngôn luận không ngừng nổ ra giữa những lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Giờ đây, Musk sẽ phải đối mặt với thực tế rằng quan điểm và hành động cho phép tự do ngôn luận có sự khác biệt rất lớn.

Thỏa thuận mua lại Twitter của Musk đã đưa vị tỷ phú này trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận về tự do ngôn luận trên toàn cầu. Hiện tại, CEO Tesla chưa nói cụ thể về kế hoạch của mình sau khi trở thành chủ sở hữu của Twitter. Tuy vậy, New York Times nhận định vị tỷ phú giàu nhất thế giới sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề như nội dung rác, kích động bạo lực hay lừa đảo nếu Twitter quyết định bỏ kiểm duyệt nội dung.

“Chúng ta cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận để làm cho nền dân chủ hoạt động. Tuy nhiên, từ quan điểm này đến việc đưa ra các hành động còn một khoảng cách rất xa. Trên hết, các mạng xã hội phải đưa ra quyết định hàng ngày”, Jameel Jaffer, Giám đốc của Viện Knight First Amendment thuộc Đại học Columbia cho biết.

2 Thuc Te Phu Phang Dang Don Cho Elon Musk

Elon Musk tự tin khi nói về quyền tự do ngôn luận cho Twitter, nhưng điều này rất khó khăn. Ảnh: FT.

Trên thực tế, trong khoảng 4 năm trở lại đây, Twitter đạt những tiến bộ đáng kể trong việc trở thành một mạng xã hội sạch, theo CNN. Nền tảng này đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng tiêu cực, bao gồm cấm nhiều tài khoản quảng cáo và spam, thêm nhãn cho thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cũng như cấm bình phẩm người chuyển giới. Mới tuần trước, Twitter cho biết họ sẽ cung cấp công cụ bên thứ ba nhằm giúp người dùng ngăn chặn hành vi quấy rối.

Tuy nhiên, nhiều người dùng bắt đầu lo lắng khi Elon Musk chính thức mua lại Twitter, đặc biệt là khi CEO Tesla và SpaceX nổi tiếng với các phát ngôn thất thường. Theo nhận định của một số chuyên gia, khi Twitter thuộc sở hữu của Musk, những nhóm người dễ bị lạm dụng như phụ nữ, cộng đồng LGBT hay người da màu có thể trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ thích quấy rối.

Ngoài việc khiến các nhân viên cũ, những người từng nỗ lực trong việc kiểm duyệt nội dung từ bỏ công việc, hành động đưa tự do ngôn luận trở lại Twitter có thể khiến một lượng lớn người dùng quay lưng với nền tảng.

Từ quan điểm đến hành động có một khoảng cách rất xa

Jameel Jaffer, Giám đốc của Viện Knight First Amendment thuộc Đại học Columbia

Người dùng sẽ không muốn dùng một mạng xã hội với đầy rẫy thông tin không được kiểm duyệt, nội dung độc hại hoặc các câu nói đả kích lẫn nhau. Đặc biệt, đây là thời điểm rất nhạy cảm với Twitter khi họ đang cố gắng chiến đấu để thu hút thêm người dùng.

Bên cạnh đó, các đối tác quảng cáo của Twitter cũng đang bắt đầu cảnh giác nếu Elon Musk thực sự thay đổi Twitter. Mặc dù CEO Tesla từng khẳng định mua Twitter không phải để kiếm tiền, mạng xã hội này vẫn là một doanh nghiệp và quảng cáo đang là động lực doanh thu chính giúp công ty duy trì hoạt động.

Mặc dù không có lượng người dùng lớn như các đối thủ khác, Twitter vẫn có tầm ảnh hưởng vượt trội vì được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông, chính trị và giải trí sử dụng. Do đó, những thay đổi của Musk đối với Twitter có thể gây ra sự hỗn loạn đến chính trị và xã hội.

Còn nhiều việc phải làm

Mỗi nền tảng mạng xã hội lớn đều phải đối mặt với áp lực từ các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu và công chúng. Trong nhiều trường hợp, Twitter được coi là công ty dẫn đầu trong ngành về cách xử lý nội dung độc hại cũng như sở hữu tính minh bạch về cách giải quyết vấn đề.

Theo ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), Twitter là một nền tảng giúp mọi người có thể sử dụng thoải mái, trong khi vẫn cảm thấy an toàn.

Trái ngược với ý kiến này, ông Imran Ahmed, Giám đốc của Trung tâm chống lại các phát ngôn thù hận trên nền tảng số, cho biết Musk có “quan điểm chưa tinh tế” và cần xem xét việc cấp quyền tự do ngôn luận cho những kẻ xấu.

3 Thuc Te Phu Phang Dang Don Cho Elon Musk

Elon Musk phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện tham vọng của mình. BlockTrends.

Thực tế, nội dung độc hại có thể gây ra những hậu quả khó lường trong thế giới thực. Điều này cũng khiến các mạng xã hội gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa cấp quyền tự do cho người dùng và bảo vệ họ trước tác hại từ thông tin độc hại.

Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu một nền tảng ít được kiểm duyệt có phải là một doanh nghiệp bền vững hay không. Một số mạng xã hội mới ra mắt trong những năm gần đây hứa hẹn không hoặc hạn chế kiểm duyệt nội dung. Họ hướng vào nhóm người dùng đang thất vọng với các mạng xã hội lớn và mong muốn một sự tự do ngôn luận.

Tôi chưa biết giá trị của Twitter sẽ thay đổi như thế nào

Kirsten Martin, Giáo sư tại trường Kinh doanh Mendoza thuộc Đại học Notre Dame

Tuy nhiên, hầu hết đều chưa thu hút được người dùng và không tạo đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động.

Một điều quan trọng khác là yếu tố trách nhiệm. Tại châu Âu, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số yêu cầu Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác phải loại bỏ những thông tin độc hại và gây ảnh hưởng đến xã hội. Do đó, khi Musk muốn đưa tự do ngôn luận trở lại Twitter, ông sẽ phải đối mặt với các quy định của các chính phủ. Ngược lại, nếu can thiệp quá sâu vào việc kiểm duyệt nội dung, CEO Tesla sẽ đi ngược lại với những tuyên bố của mình, theo nhận định của New York Times.

Tiếng xấu của Elon Musk

Elon Musk là một doanh nhân thành công. Theo CNN, nếu nói về sự đổi mới và tham vọng, CEO Tesla và SpaceX rất xứng đáng được vinh danh. Tuy vậy, Musk cũng thường xuyên gây ra tranh cãi, chủ yếu xuất phát từ những phát ngôn của ông trên Twitter.

Trong những năm qua, Musk đã sử dụng Twitter để đưa ra nhiều tuyên bố không chính xác. Trong đó, CEO Tesla từng đề cập nhiều thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19, so sánh các lãnh đạo trong chính phủ và đôi khi khiến thị trường tiền số biến động chỉ vì vài câu tweet. Điều này có thể khiến Musk mất điểm trong mắt người dùng.

4 Thuc Te Phu Phang Dang Don Cho Elon Musk

Elon Musk nổi tiếng với các phát ngôn có phần thiếu nghiêm túc trên Twitter. Ảnh: The Guardian.

Thực tế, Elon Musk là người hiểu rất rõ Twitter vì ông thường xuyên sử dụng nền tảng mạng xã hội này. Tuy nhiên, CNN nhận định cách một tỷ phú dùng mạng xã hội không giống với người dùng phổ thông. Do đó, các chính sách mà Musk đưa ra cho Twitter có thể không phù hợp với số đông.

“Musk nói rằng ông ấy muốn biến Twitter thành một nền tảng tự do ngôn luận. Những gì Musk muốn là một nền tảng để ông ta và mọi người có thể tự do nói mọi thứ. Tuy nhiên, yếu tố trách nhiệm chưa được đề cập đến”, Leslie Miley, cựu giám đốc kỹ thuật Twitter cho biết.

Trước đó, Elon Musk từng khiến giới đầu tư cảm thấy lo lắng khi thường xuyên tweet về các chủ đề liên quan đến thị trường tiền số. Theo chuyên gia tài chính Carol Alexander tại đại học Sussex, Elon Musk muốn làm điều này chỉ để báo chí và mọi người chú ý đến mình.

Bên cạnh đó, việc Elon Musk thường xuyên “nói quá” về các dự định của Tesla cũng như một lịch sử đầy rắc rối với SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ) khiến danh tiếng của ông bị ảnh hưởng.

Theo: ZING.VN


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan