Người dân Trung Quốc căng thẳng tột độ vì liên tục bị theo dõi

Một cư dân ở thành phố Thành Đô (Trung Quốc) cảm thấy vô cùng khó chịu khi biết rằng anh ấy bị công ty quản lý nhà ở liên tục theo dõi. Ngày càng có nhiều người nhận ra quyền riêng tư là một thứ xa xỉ ở Trung Quốc – nơi công dân hầu như không có…

1 Nguoi Dan Trung Quoc Cang Thang Tot Do Vi Lien Tuc Bi Theo Doi

Camera giám sát tại một góc của Quảng trường Thiên An Môn, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/092019. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Hãng tin Jimu có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) gần đây đã tiết lộ hai vụ việc xảy ra ở Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Tháng 03/2021, anh Lưu (hóa danh) đang đi mua sắm gần nhà thì một người lạ mặt bỗng tiến đến gần anh và nói: “Công ty quản lý nhà ở đang theo dõi anh 24 giờ/ngày. Anh cần phải đề phòng để bảo vệ chính mình”. Anh Lưu cảm thấy bối rối vì không biết người đã nói chuyện với mình là ai.

Vài tháng sau, một nhân viên bảo vệ trong khu nhà của anh Lưu nói với anh rằng nhân viên này thường thấy những bức ảnh chụp anh lan truyền trong một nhóm WeChat, vì vậy rất có thể anh Lưu đang bị theo dõi.

Lần này, anh Lưu đón nhận sự việc một cách nghiêm túc hơn. Anh sau đó bắt đầu nhận thấy rằng một số nhân viên bảo vệ khác thường chĩa điện thoại di động về phía anh, nhưng ngay khi anh nhìn vào họ, họ sẽ ngay lập tức chuyển hướng điện thoại.

Tháng 4 năm nay, một người tại công ty quản lý nhà ở – người này sắp nghỉ việc – đã cung cấp cho anh Lưu bằng chứng cho thấy anh đang bị theo dõi. Anh Lưu xem được một số lượng lớn ảnh chụp màn hình WeChat và video – trong đó anh Lưu là mục tiêu bị giám sát. Hóa ra anh đã bị giám sát trong hơn một năm bởi nhiều người trong công ty quản lý nhà ở.

Những người đó thành lập một nhóm WeChat để chia sẻ thông tin về anh. Khi bất kỳ ai trong số họ chụp được anh bằng điện thoại, thông tin sẽ đưa lên nhóm trò chuyện, bao gồm: anh Lưu rời khỏi nhà lúc mấy giờ, anh dắt chó đi dạo khi nào, anh đi thang máy nào, anh gặp một người phụ nữ nào đó ở đâu và anh đã đến nhà hàng nào. Tất cả những chi tiết như vậy được báo cáo cho một người họ Trần.

Một tấm ảnh chụp màn hình mà anh Lưu có được cho thấy anh đang đọc gì đó trên điện thoại di động và những người trong nhóm WeChat than phiền rằng độ phân giải không đủ cao để họ nhìn thấy nội dung trên màn hình của anh.

Sau khi biết mình bị theo dõi, anh Lưu cảm thấy việc về nhà là một gánh nặng. Anh nói với Jimu rằng anh phải chuẩn bị tinh thần vững vàng mỗi khi bước vào khu nhà của mình, về nhà càng muộn càng tốt và hạn chế mời bạn bè đến căn hộ.

Tháng trước, anh Lưu cảm thấy bản thân đã đến giới hạn và quyết định báo cảnh sát. Sau đó, anh biết được rằng một vài cư dân khác cũng bị theo dõi. Cô Triệu là một trong số họ.

Vào tháng 8, cô Triệu nhận ra những người trong ban quản lý nhà ở đang theo dõi cô. Họ biết khi nào cô rời khỏi hoặc trở về khu chung cư, nơi cô ăn tối hoặc mua sắm, cũng như khi nào gia đình cô đến thăm. Tương tự như trường hợp của anh Lưu, những người trong ban quản lý nhà ở đã bàn luận, đôi khi chế giễu, mọi hành động của cô trong nhóm WeChat.

Cô Triệu đã báo cáo sự việc với cảnh sát vào cuối tháng 9. Hiện tại, cô đã rời khỏi căn hộ của mình, không dám quay lại đó và định bán nó ngay cả khi bị lỗ.

Cô Triệu nói với hãng tin Jimu: “Việc bị theo dõi trong thời gian thực khiến tôi cảm thấy rất khó chịu và không an toàn”.

Về lý do bị theo dõi, anh Lưu và cô Triệu cho biết họ từng phàn nàn rằng phí quản lý tòa nhà quá cao và dịch vụ không đạt yêu cầu. Cả hai đều cố gắng đề xuất thành lập một ban đại diện gồm một số chủ căn hộ, nhưng không thành công. Họ nghi ngờ rằng công ty quản lý nhà ở trả đũa vì hành động phàn nàn của họ.

Công ty quản lý nhà ở cho biết họ đã thành lập một đội đặc biệt để giải quyết vấn đề; người quản lý họ Trần đã bị đình chỉ công tác và đang bị cảnh sát điều tra.

Một luật sư họ Vương đến từ Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) nói với The Epoch Times vào ngày 11/11 rằng mục đích ban đầu của việc thuê các công ty quản lý nhà ở là để họ phục vụ các chủ căn hộ, nhưng giờ họ đã quay lại và theo dõi chủ căn hộ. Điều này chắc chắn vi phạm nội quy quản lý nhà ở, cũng như vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

“Mặc dù các bức ảnh và video được chụp ở khu vực công cộng, chúng đã để lộ thông tin cá nhân của chủ căn hộ trong các nhóm WeChat; điều này nên được coi là xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, xâm phạm quyền riêng tư không phải là hành vi phạm tội ở Trung Quốc, nó chỉ có thể bị khởi kiện dân sự – chẳng hạn như yêu cầu bồi thường và xin lỗi hoặc yêu cầu bồi thường chấn thương tinh thần”, luật sư Vương cho biết.

Không có quyền riêng tư cá nhân ở Trung Quốc

“Quyền riêng tư cá nhân” là một khái niệm vô nghĩa dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo luật của Trung Quốc, bất kỳ ai nhìn trộm, bí mật chụp ảnh, nghe lén hoặc phát tán thông tin cá nhân của người khác sẽ bị giam giữ tới 5 ngày hoặc bị phạt tới 500 nhân dân tệ (khoảng 70 USD). Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người đó có thể bị giam giữ từ 5 đến 10 ngày và bị phạt tới 500 nhân dân tệ.

Trong nhiều trường hợp, các quan chức Trung Quốc đã công khai vi phạm quyền riêng tư của công dân. Vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, Thượng Hải phong tỏa để hạn chế COVID-19 lây lan. Chính quyền Thượng Hải tuyên bố rằng “việc khử trùng tại các hộ gia đình là một phần quan trọng trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh”. Do đó, một số cán bộ phòng chống dịch đã yêu cầu những chủ nhà đang ở khu cách ly phải giao chìa khóa nhà, đồng thời để cho nhân viên tự do vào nhà để tiến hành cái gọi là “khử trùng”.

Một số lượng lớn các video như vậy đã lan truyền mạnh mẽ trên Internet, khiến dân chúng phẫn nộ. Các nhân viên đang dựng hàng rào xung quanh một khu dân cư ở quận Trường Ninh, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 07/10/2022, sau khi tại đây xuất hiện các trường hợp mắc Covid-19 mới. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Ông Đồng Chi Vĩ (Tong Zhiwei), giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc, đã đăng một bài viết lên mạng xã hội vào ngày 08/05, trong đó nói rằng “Không tổ chức nào ở Thượng Hải có quyền buộc người dân phải giao chìa khóa nhà cho [chính quyền] để [ai đó có thể] vào nhà của họ để khử trùng”; bất kỳ quan chức nào ra lệnh như vậy đã phạm tội “xâm nhập trái phép nhà của công dân”.

Bài viết của ông ngay lập tức bị chính quyền kiểm duyệt; các tài khoản xã hội của Giáo sư Đồng đều bị tạm khóa.

ĐCSTQ cũng xâm phạm quyền riêng tư của công dân thời trước đại dịch. Bitter Winter, tạp chí chuyên đưa tin về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, cho biết một số chủ nhà ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) nhận được thông báo từ cảnh sát.

Thông báo yêu cầu họ lắp đặt camera giám sát trong các căn hộ cho thuê với danh nghĩa “phòng chống trộm cắp”. Cảnh sát yêu cầu các camera phải được lắp đặt trong phòng khách đối diện với cửa trước; các nhà cho thuê không có camera giám sát sẽ bị cấm kinh doanh. Cảnh sát cũng kiểm tra các cơ sở cho thuê hết lần này đến lần khác và phạt những người vi phạm.

Độc tài toàn trị kỹ thuật số

Năm 2019, nhà cung cấp dịch vụ thông tin IHS Markit của Anh dự đoán rằng vào cuối năm 2021, sẽ có khoảng 1 tỷ camera giám sát trên toàn thế giới, trong đó 54% sẽ ở Trung Quốc. Tức là với 540 triệu camera giám sát được lắp đặt cho dân số 1,46 tỷ người thì cứ 1.000 người có 372,8 camera.

Đây là một ước tính tương đối thận trọng. Một ước tính khác của IHS Markit đưa ra con số 626 triệu camera giám sát ở Trung Quốc, tương đương với 432,2 chiếc trên 1.000 người. Trên thực tế, sẽ có nhiều camera giám sát hơn cho mỗi 1.000 dân tại các khu vực thành thị. Nhân viên đang lắp đặt camera giám sát bên ngoài nhà của một nhà báo bị cách ly sau khi ông đến thăm Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 03/05/2020. (Ảnh: Leo Ramirez/AFP qua Getty Images)

Ngày 13/10, Viện Nghiên cứu Montreal về Diệt chủng và Nhân quyền (MIGS) ở Canada đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách có tựa đề “Nhà nước giám sát: Tìm hiểu về nhiệm vụ xây dựng một kỷ nguyên kiểm soát xã hội mới tại Trung Quốc” (Surveillance State: Inside China’s Quest to Launch a New Era of Social Control).

Theo hai tác giả của cuốn sách, ĐCSTQ đã thiết lập một cơ sở dữ liệu cấp nhà nước làm cơ sở cho chủ nghĩa độc tài toàn trị kỹ thuật số.

Thông qua công nghệ kỹ thuật số, công nghệ đám mây và các phương tiện khác, ĐCSTQ kết nối cơ sở dữ liệu với các tài liệu nhận dạng công dân, dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay và lịch sử du lịch cá nhân để thiết lập các cơ chế kiểm soát mới.

Sau đó, chính quyền có thể theo dõi tất cả các vật phẩm điện tử như điện thoại di động và máy tính, theo dõi tin nhắn cá nhân bất cứ lúc nào, xóa những tin nhắn gây bất lợi cho chính quyền chỉ trong vài giây và xác định chính xác người đã gửi tin nhắn.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, cơ quan chức năng mở rộng giám sát toàn dân 24/24 giờ thông qua ứng dụng điện thoại “mã số sức khỏe”. Đại dịch đã mở ra một “kỷ nguyên mới” của hoạt động giám sát tại Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 11/11, cây bút độc lập Gia Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) cho biết: “Trung Quốc đã trở thành một nhà tù đích thực, với ‘những con mắt’ theo dõi bạn ở khắp mọi nơi”.

Theo Shawn Lin & Olivia Li – The Epoch Times


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan