'Đòn roi chỉ là cách cha mẹ trút giận'

Những nước văn minh đã không dùng đòn roi để dạy trẻ từ lâu, trong khi nhiều cha mẹ Việt vẫn bạo hành trẻ dưới cái mác răn đe.

1 Don Roi Chi La Cach Cha Me Trut Gian

Đọc nhiều bài viết về của đề "dạy con bằng đòn roi", tôi cũng muốn đóng góp chút ý kiến cá nhân. Xin mở đầu bằng câu chuyện trong chính gia đình tôi.

Cô tôi năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn không quên nỗi ám ảnh 18 năm bị cha mẹ đánh đập, hạ nhục.

Điển hình là sự việc khi cô 8 tuổi, vô tình làm rơi vỡ cái chén và lập tức bị mẹ ném thẳng cái chén vào đầu, bị bỏ mặc cho máu chảy lênh láng, phải khâu hơn 10 mũi.

Tất nhiên, cô cũng chẳng trách vì bà đâu được ăn học đàng hoàng. Chỉ là những vết thương lòng trong cô đến giờ vẫn chẳng thể lành được.

Đáng buồn, những câu chuyện như trên lại xảy ra rất thường xuyên trong xã hội, nơi mà những cảm xúc tiêu cực được phát tiết ra qua đòn roi trút lên một đối tượng không có sức chống cự (trẻ em), mà có chống cự thì cũng sẽ bị xã hội lên án. Tôi thấy trong xã hội, có nhiều người dùng đòn roi lên trẻ như một cách để giải tỏa tiêu cực, gây biến dạng tâm lý trẻ.

Rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra bởi nhiều người thiếu hiểu biết, vận dụng nghĩa đen của câu "thương cho roi cho vọt", bạo hành trẻ dưới cái mác răn đe.

Thậm chí, có cha mẹ đánh con đến mức bất ổn tâm lý luôn, một số bài viết gần đây trên chuyên mục Ý kiến cũng có đề cập. Làm gì thì làm, đứa trẻ vẫn là người thiệt thòi nhất. Trẻ bị đánh, nếu chúng hiểu mình sai ở đâu, vì sao bị đánh thì không sao?

Bằng không, chúng đơn giản chỉ là chịu đựng đau đớn về thể xác và tâm hồn, hoặc cố gắng chống cự.

Vậy ai sẽ bảo vệ trẻ nếu các em bị bạo hành, và ai dám đứng lên bảo vệ trẻ nếu có bạo hành diễn ra?

Tất nhiên, tôi đồng ý rằng mỗi đứa trẻ cần có một cách giáo dục khác nhau.

Chỉ có điều bố mẹ chúng có đủ kiến thức, kiên nhẫn, thời gian và tiền bạc để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với con mình, hay cứ nghĩ roi vọt sẽ giải quyết được tất cả vấn đề?

Đòn roi của cha mẹ khiến tôi trưởng thành nhưng vô cảm

Ở Việt Nam, một nguyên tắc cốt lõi mà mà chúng ta không có, đó là sự tôn trọng trẻ em - tôn trọng quyền lựa chọn (nếu không quá đáng), tôn trọng không gian riêng tư của trẻ (gõ cửa xin phép trước khi vào phòng của con).

Đây là thứ mà nhiều bậc cha mẹ Việt bỏ quên trong từ điển của họ. Có lẽ đó là dư âm của sự thiếu kiến thức hôn nhân gia đình và nuôi dạy trẻ từ thế hệ trước - yếu tố khách quan khó tránh. Nhưng điều đáng trách là nhiều người dù biết sai nhưng vẫn cố tình không sửa.

Xin nhắc lại, đây không phải quan điểm cá nhân mà là Quyền trẻ em được quy định bởi UNICEF. Và nếu chúng ta chỉ nhìn nhận một cách hạn hẹp thì sẽ khó có thể thấy sự tốt đẹp khi giáo dục con bằng sự tôn trọng.

Tôn trọng trẻ em là coi trẻ như một thực thể độc nhất, trẻ có thể nêu lên mong muốn, suy nghĩ cá nhân (còn cho phép hay không là do bạn, dĩ nhiên bạn phải nêu được lý do thuyết phục). Nhiều người xem trẻ con phụ thuộc cha mẹ nên coi trẻ như vật sở hữu, không có quyền nói lên ý kiến cá nhân và luôn bị áp đặt mà không biết lý do.

Đồng ý rằng Luật tạo ra do con người và con người thay đổi nó sát với thực tế.

Nhưng thực tế ở đây là nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc lạm dụng đòn roi gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ ít nhiều, hạn chế nhiều mặt, nên những nước văn minh không dùng đòn roi để dạy trẻ từ lâu rồi.

Xin đừng đứng trên quan điểm cha mẹ luôn đúng, con cái luôn phải nghe lời. Với các thế hệ trước, ít được học hành thì ta không trách được họ, nhưng tôi rất phản đối những cha mẹ có học ngày nay mà lại đi gây tổn hại đến thể xác và tinh thần trẻ nhỏ bằng roi vọt.

LQL


© 2024 | Thời báo MỸ



 

Bài liên quan